Nông dân thu nhập khá nhờ trồng dừa xiêm
- Thứ ba - 23/08/2016 21:44
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Một cây dừa Xiêm sẽ cho thu nhập từ 1,5 – 1,8 triệu đồng |
Ông Mai Đình Chung – Chủ tịch Hội nông dân xã Cát Hiệp huyện Phù Cát cho biết: “Hiện toàn xã có hơn 1960 hộ trồng dừa xiêm, trung bình mỗi hộ trồng hơn 20 cây, có nhiều hộ trồng từ 100 đến 200 cây. Dừa Xiêm không những được trồng trong vườn nhà mà còn được trồng xen với các loại cây trồng cạn ngắn ngày khác như đậu phụng, mỳ, mình tinh,...Trong đó, có khoảng 1200 hộ trồng dừa Xiêm nhiều năm đã cho trái và thu nhập ổn định, số còn lại đang giai đoạn chăm sóc chuẩn bị cho trái”.
Nhờ thích hợp với điều kiện đất đai ở địa phương và được nông dân đầu tư chăm sóc, bón phân, tưới nước và phòng trừ sâu bệnh đầy đủ nên cây dừa Xiêm sinh trưởng phát triển tốt. Mỗi cây dừa sau 3 năm trồng sẽ cho trái và từ năm thứ 4 trở đi bắt đầu ra trái mạnh. Trung bình mỗi cây dừa xiêm được chăm sóc đầy đủ sẽ cho thu hoạch từ 150 – 180 trái/năm và được thương lái đến mua tại vườn với giá bình quân khoảng 10 ngàn đồng/trái.
Như vậy, mỗi năm , cá biệt có cây cho trên 200 trái/năm và có thời điểm giá dừa lên cao trên 12 ngàn đồng/trái thì người trồng dừa còn có thu nhập cao hơn nhiều. Ngoài việc bán dừa tươi để làm thức uống, nhiều hộ trồng dừa Xiêm ở Cát Hiệp còn tự nhân giống để trồng và bán cho thị trường, với giá bán mỗi cây con giống là 60 ngàn đồng, cũng tạo nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân. Đặc biệt, hiện tại nhu cầu của thị trường rất cao nên việc tiêu thụ dừa cũng rất dễ dàng. Dừa Xiêm đến kỳ thu hoạch được thương lái đến tận vườn mua hái, người trồng dừa không cần phải thu hoạch hay vận chuyển đi xa. Không những dễ trồng, ít tốn công chăm sóc mà cây dừa xiêm còn giải quyết được vấn đề nước thải đối với các hộ chăn nuôi ở địa phương. Nguồn phân và nước thải trong chăn nuôi heo được dùng để tưới dừa giúp dừa phát triển tốt, cho trái nhiều hơn so với bình thường.
Gia đình bà Trần Thị Tuyết - ở thôn Hòa Đại trồng dừa xiêm hơn 10 năm nay. Hiện tại trong vườn nhà bà có hơn 100 cây dừa xiêm, trong đó có hơn 80 cây đang giai đoạn cho trái. Ngoài trồng dừa, bà còn thả nuôi 9 heo nái sinh sản, số heo con đẻ ra, gia đình bà đều để lại nuôi. Số phân và nước thải trong nuôi heo bà đều dùng để tưới cho cây dừa; đồng thời trong quá trình trồng và chăm sóc gia đình bà đều áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật như: đào hố sâu 40 x 40cm, bỏ phân chuồng, thân – lá cây chờ hoai mục 1,5 tháng trước khi trồng, mỗi hố cách nhau 8 x 8m; trồng giống dùa xiêm địa phương tự ươm và mua thêm của người dân trong vùng, sau khi trồng tưới nước đầy đủ nhất là gia đoạn từ mới trồng đến khi ra trái, định kỳ sau mỗi lứa thu hoạch dừa đều dọn sạch những bẹ, tàu lá khô, buồng không hữu hiệu và bơm thuốc bảo vệ thực vật đề phòng kiến gương gây hại…. Nhờ đó, vườn dừa của gia đình bà luôn phát triển tốt, cho năng suất cao và ổn định. Bình quân, mỗi cây dừa Xiêm cho 200 trái/năm, với giá bán bình quân 10.000 đồng /trái, mỗi cây dừa xiêm cho thu nhập 2 triệu đồng/năm.
Ngoài bán dừa tươi, gia đình bà còn chọn những trái dừa tốt để ươm giống bán cho người dân trong vùng và các địa phương lân cận. Mỗi năm, gia đình bà ươm bán từ 1000 – 2000 cây dừa Xiêm giống, với giá hiện tại 60.000 đồng/cây, đem lại thu nhập từ 60 đến 120 triệu đồng. Như vây, mỗi năm cây dừa Xiêm đem lại cho gia đình bà thu nhập trên 200 triệu đồng. Hiện tại, gia đình bà đang trồng và chăm sóc thêm 200 cây dừa Xiêm trên diện tích 0,5ha đất trồng keo và hoa màu trước đây, hứa hẹn sẽ cho thu nhập khá trong thời gian tới.
Những năm gần đây nhiều người dân Cát Hiệp còn phát triển cây dừa Xiêm theo mô hình xen canh lấy ngắn nuôi dài. Trên cùng 1 chân đất, cây dừa xiêm được trồng cùng lúc với đậu phụng và mỳ, sau 3 tháng thu hoạch đậu phụng và sau khoảng 5 tháng nữa thu hoạch mỳ; chu kỳ trồng đậu phụng và mỳ xen với dừa xiêm sẽ được tiếp tục trong 2 năm nữa. Nhờ nguồn phân bón và nước tưới trong việc chăm sóc đậu phụng và mỳ nên cây dừa Xiêm phát triển tốt hơn so với trồng chuyên canh theo cách thông thường. Sau 3 năm cây dừa Xiêm bắt đầu ra trái thì không trồng đậu phụng và mỳ nữa mà sẽ trồng khớm, mình tinh dưới tán dừa, đến khi dừa lên cao hơn thì có thể trồng thêm một số cây trồng khác ưa bóng râm. Ông Nguyễn Thanh Long – ở thôn Hòa Đại - một trong những hộ thực hiện có hiệu quả mô hình này cho biết: “gia đình tôi trồng hơn 200 cây dừa Xiêm và tất cả đều trồng xen canh với cây trồng cạn khác. Nhờ thực hiện theo mô hình này, các loại cây trồng ngắn ngày và cây dừa đều sinh trưởng phát triển tốt, ít tốn công chăm sóc mà còn tận dụng tối đa quỹ đất dưới tán dừa để trồng các cây trồng cạn khác, đem lại thu nhập đáng kể, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích”.
Theo Hội Nông dân