Nông dân trồng chuối mốc thu 200 triệu đồng/ha .

Nông dân trồng chuối mốc thu 200 triệu đồng/ha .
Ưu điểm của chuối mốc là đầu tư ít, cho quả quanh năm và dễ tiêu thụ nên đã được nhiều hộ dân ở huyện Nghĩa Đàn chọn trồng.

Thực hiện chủ trương trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu, anh Dư Kim Trường ở xóm Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) là một trong số hộ đi đầu trong phong trào trồng cây keo lai. Nhưng do đặc điểm đồi ở vùng này toàn đá nên cây keo phát triển chậm. Năm 2012, gia đình anh thử nghiệm trồng xen hơn 100 cây chuối mốc.

Anh Trường cho biết: “Lúc đầu gia đình cũng nghĩ đất đồi khô cằn như thế này chỉ trồng chuối làm thức ăn phục vụ chăn nuôi, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn cây phát triển tốt. Với ưu điểm của cây chuối vốn đầu tư ít, lại không tốn công chăm sóc, cây cho quả quanh năm. Trung bình mỗi buồng chuối bán với giá 50.000 - 70.000 đồng. Vào các ngày tuần rằm và mồng một; đặc biệt là vào dịp rằm tháng Giêng, tháng Bảy hay Tết Nguyên đán, một nải chuối đẹp có thể bán được 60.000 - 80.000 đồng”.

Từ hiệu quả kinh tế của cây chuối mốc, anh Trường đã mở rộng diện tích lên hơn 2 ha trồng 2.000 gốc; trung bình một năm cho nguồn thu trên 200 triệu đồng.

Trồng chuối ở Nghĩa Đàn. Ảnh:Minh Thái
 Anh Dư Kim Trường ở xóm Hưng Nghĩa, xã Nghĩa Lợi (Nghĩa Đàn) đang chăm sóc vườn chuối của gia đình. Ảnh: Minh Thái

Anh Trường cho biết: “Chuối là cây dễ trồng, công và chi phí đầu tư ít, phát triển nhanh. Trồng chuối từ năm thứ ba cho thu nhập ổn định, thu hoạch luân phiên theo lứa; một bụi chuối trong một tháng cho thu hoạch 2 lần vào cuối tháng và giữa tháng”.

Theo ông Nguyễn Viết Thắng - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lợi thì hiện xã  có 1.000 ha đất nông nghiệp, trong đó có 50% diện tích đất kém hiệu quả. Những năm qua, xã đã đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế vườn rừng, vận động bà con nông dân chuyển đổi cây trồng phù hợp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao trên đơn vị diện tích. Tính đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 150 ha đất đồi hiệu quả thấp chuyển sang trồng chuối, 70 ha đất trồng mía chuyển sang trồng các loại cây ăn quả như cam, quýt, ổi, táo, dứa”…

Trồng chuối ở Nghĩa Đàn. Ảnh:Minh Thái
Cây chuối mốc trên đất Nghĩa Đàn. Ảnh:Minh Thái

Tại xóm Phú Hòa, xã Nghĩa Phú, trên diện tích 4,5ha anh Nguyễn Thanh Hải cũng trồng khoảng 1.500 gốc chuối mốc, trong đó gần 500 cây đã cho thu hoạch ổn định. Để tăng hiệu quả và tận dụng diện tích, năm nay anh Hải trồng thêm 1.000 gốc chuối trên diện tích đất đồi của gia đình. “Cây chuối mốc có thể phát triển tốt ở vùng đất thấp và cả vùng đồi cao, kỹ thuật trồng dễ dàng và thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu địa phương... Từ cây chuối, hàng tháng gia đình tôi có nguồn thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng” - anh Nguyễn Thanh Hải chia sẻ.

Việc chuyển đổi cây trồng phù hợp như mô hình trồng chuối mốc trên đất  cằn của người dân Nghĩa Đàn đã góp phần thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh giỏi ở địa phương, góp phần xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay.


Minh Thái/ Báo Nghệ An