Nông dân vùng ngập lũ thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ mít Thái

Trong năm 2017, tại Tiền Giang, mít Thái siêu sớm luôn giữ ở mức giá cao ngất ngưởng, thu nhập từ cây mít mang lại khá, nông dân vùng ngập lũ hết sức phấn khởi.
Phó giáo sư-tiến sỹ Nguyễn Minh Châu, Nguyên Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam khảo sát giống mít Thái siêu sớm ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)



Theo ông Nguyễn Văn Phương, nông dân xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước, thương lái đến tận vườn thu mua mít Thái siêu sớm từ 35.000 đến 40.000 đồng/kg, tùy chất lượng, cao gấp ba lần cùng kỳ năm trước. 

Ông Phương có 1ha đất trồng mít mới cho trái bói (trái chiến) nhưng từ đầu năm đến nay đã bán được trên 200 triệu đồng. Từ nay đến cuối năm, ông dự kiến còn thu thêm được không dưới 100 triệu đồng tiền bán mít. 

Còn ông Nguyễn Văn Kiệp, cư ngụ tại xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, trồng 3.000 m2 mít Thái siêu sớm cho biết, loại cây này cho thu hoạch quanh năm nhưng cao điểm vào khoảng từ tháng 8 đến tháng 11 âm lịch. 


Với 3.000 m2 đất trồng mít, năm nay gia đình ông Kiệp thu lãi ròng trên 100 triệu đồng. Nhờ thu nhập từ cây mít, gia đình ông đã có cuộc sống ổn định. 

Theo nhận định của nhiều nông dân, nhờ thị trường tiêu thụ mạnh nên năm nay, mít Thái siêu sớm có giá cao, mang lại niềm vui lớn cho những nông dân địa bàn canh tác khó khăn như vùng Đồng Tháp Mười, vùng ngập lũ phía tây của tỉnh Tiền Giang. 

Hiện nay, Tiền Giang có trên 1.000ha mít Thái siêu sớm, tập trung tại các huyện vùng ngập lũ phía tây như Cai Lậy, Cái Bè, thị xã Cai Lậy, Tân Phước… Năng suất khoảng 40 tấn quả/ha và sản lượng hàng năm khoảng 40.000 tấn quả.

Đây là cây trồng mới, được mệnh danh cây “xóa đói giảm nghèo” bởi dễ trồng, mau cho thu hoạch, năng suất cao và đầu ra thuận lợi. Nhiều hộ dựng nên cơ nghiệp bền vững./. 
Theo vietnamplus.vn