Nông nghiệp ĐBSH: Dùng điện thoại thông minh tra thanh long hữu cơ
- Thứ bảy - 14/07/2018 22:29
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hải Dương: Dùng điện thoại thông minh tra thanh long hữu cơ
Nam Định: Phát triển cây thảo dược - hướng làm giàu hiệu quả
Trực Nội (Trực Ninh) vốn là ã thuần nông, có xuất phát điểm thấp trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Những năm qua, nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển, xã đã chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần tăng thu nhập cho người dân địa phương. Nắm bắt cơ hội, Vũ Đình Kiên, một người con quê hương Trực Nội, khi đó đang làm kỹ sư phụ trách kỹ thuật công nghệ thực phẩm cho một Cty tại Hà Nội đã quyết tâm “dứt áo”, trở về quê để lập thân, lập nghiệp.
Được chính quyền địa phương tạo điều kiện cho thuê đất nông nghiệp, Kiên đã mạnh dạn bàn với gia đình đứng ra thành lập HTX dược phẩm Hoàng Thành chuyên trồng, nhân giống các loại cây thảo dược. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX ký kết với các Cty, doanh nghiệp về dược phẩm, đặc biệt là Viện Y học cổ truyền Việt Nam. HTX nhận đấu gần 13,7ha đất để canh tác 2 vụ lúa, 1 vụ dược liệu trong đó tập trung diện tích trồng các loại cây trạch tả, sài đất, hoa cúc chi (hay còn gọi là cúc tiến vua) để cung cấp cho thị trường.
Năm 2017, HTX đã trồng khảo nghiệm giống hoa cúc chi theo tiêu chuẩn GMP (thực hành tốt sản xuất thuốc). Theo anh Kiên, sản lượng hoa cúc chi đạt tiêu chuẩn thu được 1,5 tạ/sào. Với giá thị trường nếu bán tươi sẽ có giá 8.000-10.000 đồng/kg; nếu hoa cúc chi sấy khô, giá sẽ cao hơn trung bình từ 200-230 nghìn đồng/kg, thậm chí có thời điểm đến 350-400 nghìn đồng/kg.
Ngoài trồng các cây dược liệu, HTX tranh thủ mùa vụ để cấy lúa giống Bắc thơm số 7. Vụ lúa xuân năm 2018 vừa qua, sản lượng thóc của HTX đạt 80 tấn (tương đương khoảng 2,1 tạ/sào). Hiện, HTX đang xuất bán thóc cho các đầu mối với giá 7,2 triệu đồng/tấn. Như vậy, doanh thu vụ xuân đã đạt trên 560 triệu đồng; trừ chi phí thu về trên 200 triệu đồng.
Vĩnh Phúc: Hiệu quả từ mô hình nuôi vịt trời
Tận dụng diện tích đất chiêm trũng, khó canh tác, vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc) đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi vịt trời, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập.
Toàn xã có khoảng 30 hộ chăn nuôi vịt trời, với quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn con/hộ. Qua thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi vịt trời luôn cao gấp 2 lần so với nuôi các loại vịt khác. Trong khi giá vịt ta khoảng 40.000 đồng/kg thì giá vịt trời hiện được bán ra thị trường với giá từ 80.000- 85.000 đồng/kg.
Nuôi vịt trời không hề khó, thậm chí là nhàn hơn so với nuôi vịt ta do chúng có sức đề kháng tốt nên ít bị dịch bệnh. Hơn nữa, vịt trời ăn ít hơn vịt ta. Thức ăn của chúng cũng rất đơn giản, chủ yếu là thóc, ngô, cám, các loại rau... Một con vịt trời thương phẩm đạt cân nặng từ 1-1,2kg là có thể xuất chuồng.
Chất lượng thịt thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng và coi như một món đặc sản nên thị trường tiêu thụ vịt trời rất lớn. Không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm, các lái buôn từ Vĩnh Yên, Xuân Hòa... thậm chí từ Hà Nội, Lạng Sơn đến tận nhà người dân để thu mua.
Ông Hà Trọng Tấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Phong, cho biết, trước kia, nhiều hộ gia đình nuôi vịt trời tràn lan, theo trào lưu. Hiện nay, các hộ đã đầu tư một cách bài bản, có chiều sâu, chịu khó học hỏi, biết áp dụng các ứng dụng khoa học kĩ thuật vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, giúp cho bà con nắm được kiến thức, phương pháp mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.
Hà Nam: Thu hút doanh nghiệp chế biến nông sản
Thời gian qua, tỉnh Hà Nam khuyến khích thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân đầu tư vào tỉnh.
Đến nay, huyện Bình Lục đã xây dựng được 12 mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp với diện tích 157ha, chuyên sản xuất lúa, trồng dưa lê, ớt xuất khẩu. Các mô hình sản xuất tạo ra sản phẩm với số lượng lớn cung ứng ngay cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều doanh nghiệp đã thực sự trở thành "bà đỡ" cho nông dân trong vùng. Điển hình như Công ty TNHH Thủy Long đầu tư vào Cụm công nghiệp Trung Lương với diện tích 3,2 ha chuyên chế biến thóc gạo cho khu vực tỉnh Hà Nam và nhiều tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Ông Trịnh Công Dương, Giám đốc Công ty TNHH Thủy Long cho biết: Sau khi khảo sát nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực, tôi quyết định đầu tư vào Bình Lục bởi ở đây có nhiều nguồn sản phẩm đầu vào cho doanh nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh Hà Nam và một số tỉnh lân cận có hàng chục đại lý chuyên thu mua lúa gạo của bà con cung cấp cho doanh nghiệp với sản lượng khoảng 70 nghìn tấn/năm. Toàn bộ số thóc gạo trên, doanh nghiệp chế biến sau đó xuất khẩu khoảng 50% sản lượng, còn lại cung ứng thị trường trong nước. Để tạo điều kiện thuận lợi cho bà con sản xuất với quy mô lớn, thu hoạch tập trung không có sân phơi thóc, doanh nghiệp còn xây dựng một dây chuyền khép kín có công đoạn sấy thóc tươi để thu mua luôn cả thóc ngoài chân ruộng cho bà con.
Thời gian tới, UBND tỉnh chỉ đạo tiếp tục ưu tiên thu hút các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho bà con nông dân đầu tư vào tỉnh nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, xây dựng được nhiều vùng sản xuất nông sản tập trung với quy mô lớn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Thái Bình: Tổ chức sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm cho xã viên
HTXNN xã Thái Giang (Thái Thụy - Thái Bình) có tổng diện tích canh tác 400ha, trong đó 30ha cây chuyên màu. Với kinh nghiệm 10 năm tổ chức sản xuất hàng hóa, Hội đồng quản trị HTX đã tạo dựng được uy tín, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài tỉnh ký kết hợp đồng tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm để bà con nông dân yên tâm mở rộng vùng sản xuất hàng hóa.
6 tháng đầu năm 2018, Hội đồng quản trị HTX xã đã ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân 120 tấn khoai tây, 350 tấn dưa gang, 300 tấn lúa giống.
Ông Nguyễn Huy Giáp, Giám đốc HTX cho biết, qua 10 năm liên kết, tổ chức sản xuất hàng hóa, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, tôi rút ra một số kinh nghiệm trong việc chỉ đạo, điều hành, đó là: công tác tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức, thay đổi tập quán canh tác cho bà con nông dân phải làm thường xuyên, liên tục; định kỳ mở lớp tập huấn trang bị kiến thức sản xuất nâng cao trình độ thâm canh. Bà con nông dân chấp hành nghiêm quy trình sản xuất. Việc ký kết hợp đồng với các công ty phải được thực hiện công khai, minh bạch, bảo đảm hài hòa lợi ích người sản xuất, HTX và công ty song lợi ích của người sản xuất phải được ưu tiên số 1, có như vậy bà con nông dân mới thực sự yên tâm sản xuất.
Do làm tốt công tác tổ chức sản xuất hàng hóa đồng thời ý thức của nông dân thay đổi tập quán sản xuất, vì vậy, hàng năm HTX bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân qua hợp đồng đã ký trên dưới 1.000 tấn nông sản. Nhiều thành viên HTX đã làm giàu bằng việc sản xuất hàng hóa, tiêu biểu như gia đình ông Bùi Đình Hậu, thôn Nha có 2 lao động, ngoài diện tích cơ bản còn nhận đấu thầu thêm để sản xuất hàng hóa ở vụ xuân năm 2018, bán 4.700kg lúa giống thu nhập hơn 40 triệu đồng.