Nông nghiệp Nữ 8X quyết tâm khởi nghiệp
- Thứ tư - 25/07/2018 22:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, năm 14 tuổi, chị Nguyên phải đi làm thuê bằng việc xe chỉ, dệt thảm từ xơ dừa cho các cơ sở ở địa phương. Đến năm 20 tuổi, chị Nguyên lập gia đình về sống bên chồng ở ấp kế bên cũng sinh sống bằng nghề sản xuất sản phẩm từ chỉ xơ dừa. Năm 2012, hôn nhân không trọn vẹn, chị về nhà cha mẹ ruột dựng căn nhà lá để làm nơi dệt chỉ xơ dừa cung ứng cho các cơ sở, doanh nghiệp (DN) trong huyện. Chị Nguyên kể lại: “Lúc đó chỉ có mấy chục triệu đồng vốn nên việc sản xuất rất khó khăn. Ban đầu chỉ làm nhỏ lẻ theo kiểu gia công để sống qua ngày. Sau đó, có nhiều khách hàng là DN tìm đến đặt hàng nên tôi mở rộng nhà xưởng bằng tole, thuê hơn chục nhân công xe chỉ xơ dừa mới có hàng đủ để giao”.
Năm 2013, chị Nguyên đăng ký hộ kinh doanh để tiện việc ký hợp đồng với các đơn vị, DN. Từ làm nhỏ lẻ giao cho một DN trong huyện, giờ đã có nhiều đơn vị tại tỉnh, tỉnh Trà Vinh và TP. Hồ Chí Minh đến ký hợp đồng cung ứng mặt hàng lưới chỉ xơ dừa xuất khẩu sang Trung Quốc, Hàn Quốc. Không đủ hàng giao, chị đặt các cơ sở khác ngay tại địa phương làm gia công để có đủ sản phẩm giao cho khách hàng. Từ đó, cơ sở của chị Nguyên đã tạo việc làm cho 18 lao động tại chỗ và hơn 50 lao động tại các địa điểm khác.
Thấy làm ăn hiệu quả và tạo việc làm cho lao động nữ ở nông thôn, Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Bến Tre (AMD) đã hỗ trợ đầu tư khung dệt lưới, nhà xưởng với kinh phí trên 90 triệu đồng. Nhiều lao động là phụ nữ nghèo, đã lớn tuổi ở địa phương có việc làm với thu nhập ổn định hơn trước rất nhiều. Bình quân 1 lao động nữ làm việc tại cơ sở của chị Nguyên thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/tháng. Chị Nguyễn Thị Thu Trúc (ngụ ấp Thới Đức) cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 2 công dừa, chồng làm thợ hồ trong khi phải nuôi 2 đứa con đi học nên cuộc sống khó khăn. Cách đây 3 năm, tôi đến đây làm nhân công đan lưới chỉ xơ dừa cho tới nay. Nhờ vậy, gia đình tôi có tiền lo cho 1 đứa con đang học đại học và 1 đứa đang học phổ thông”.
Mỗi ngày, chị Thu và nhiều lao động nữ tại địa phương đến cơ sở ngay nhà chị Nguyên làm việc từ 4 giờ sáng và kết thúc lúc 14 giờ chiều. Trung bình 2 nhân công cùng đan lưới sẽ được trả công 385 ngàn đồng/ngày.
Bà Phạm Thị Đẹp - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thành Thới A cho biết: “Cơ sở của chị Nguyên tạo việc làm cho mấy chục lao động ở địa phương, nhất là chị em phụ nữ nghèo. Thời gian qua, hội đã hỗ trợ cho chị Nguyên làm hồ sơ để vay 50 triệu đồng từ chương trình “Vay sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn”, hỗ trợ máy móc từ Dự án AMD”.
Hiện tại, trung bình mỗi tháng, chị Nguyên cung ứng cho các DN xuất khẩu từ 36 - 50 tấn lưới chỉ xơ dừa. Toàn bộ sản phẩm đều được các DN xuất khẩu ra nước ngoài. Theo chị Nguyên, đây chỉ là những bước khởi đầu trong quá trình khởi nghiệp đầy gian lao phía trước. Dự tính trong thời gian tới, chị Nguyên sẽ mở rộng nhà xưởng, thành lập DN để tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Bài, ảnh: Hoàng Mai/baodongkhoi.vn