Nông nghiệp công nghệ cao: “Nút thắt” đầu ra sản phẩm

Nhiều xã viên, HTX nông nghiệp trên địa bàn Nghệ An đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao (CNC) vào sản xuất, tăng năng suất và đảm bảo chất lượng cho sản phẩm. Tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm khó khăn...
 
Ông Trần Văn Hạnh là một trong những xã viên điển hình của HTX Nông nghiệp Diễn Phong (Diễn Châu) mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà lưới và hệ thống tưới phun mưa để sản xuất các loại rau, củ quả theo hướng sản xuất theo quy trình an toàn. 
HTX Nông nghiệp cây con Chi Khê (Con Cuông) trồng thử nghiệm dưa Mỹ trong nhà lưới. Ảnh: Tường Vi
Ông Hạnh cho biết: Tháng 6/2017, gia đình ông đầu tư 300 triệu đồng xây dựng nhà lưới rộng 1.000 m2 để sản xuất rau màu. Mặc dù đầu tư ban đầu khá lớn, nhưng được cái trong quá trình sản xuất, cây trồng được khép kín trong nhà lưới nên hầu như không bị sâu bệnh, nên không phải sử dụng thuốc BVTV; không bị ảnh hưởng bởi trời mưa to, thời tiết rét... kể cả công tác tưới rau cũng áp dụng công nghệ tưới phun mưa bằng bét quay, nên con người đỡ vất vả, trong khi năng suất cây trồng đạt cao hơn nhiều so với sản xuất ngoài trời.
Tuy nhiên, theo ông Hạnh chia sẻ: sản phẩm rau trồng theo CNC chưa được người tiêu dùng chấp nhận mua với giá cao hơn so với rau trồng trên ruộng thường, nên chủ vườn thua thiệt. Dịp này, trong nhà lưới của ông Hạnh được trồng hoàn toàn cải bắp theo quy trình VietGAP, chuẩn bị cho thu hoạch, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đặt hàng. Dự kiến tới đây ông hạnh đành phải chấp nhận bán cải bắp theo giá thị trường. Do vậy, ông Hạnh mong muốn được các doanh nghiệp kinh doanh rau, củ, quả phối hợp để tiêu thụ sản phẩm cho xã viên.
HTX Nông nghiệp Diễn Phong hiện có 10 ha đất sản xuất theo quy trình VietGAP, chủ yếu trồng ớt, măng tây xanh... Trong đó một số diện tích được ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt. Được biết, hiện nay HTX Nông nghiệp Diễn Phong đã có 2 hộ xã viên đầu tư hàng trăm triệu đồng xây dựng nhà lưới để sản xuất rau. Đây có thể nói là khâu đột phá trên vùng đất màu ven biển mà người dân ở đây đã có kinh nghiệm truyền thống sản xuất rau màu từ nhiều thế hệ. 
Vận hành hệ thống tưới nhỏ giọt Israel tại HTX Nông nghiệp cây ăn quả 1/5 Nghĩa Đàn. Ảnh: Xuân Hoàng
Còn tại huyện Con Cuông, HTX Cây con xã Chi Khê được chính quyền huyện hỗ trợ đầu tư áp dụng CNC trong sản xuất, mang lại hiệu quả cao. Ông Nguyễn Ngọc Trung - Giám đốc HTX Cây con xã Chi Khê cho biết: Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ của huyện, HTX xây dựng nhà lưới rộng 2.000 m2, kết hợp lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, với tổng nguồn vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng, trong đó phần lớn là sự hỗ trợ của huyện. Qua 3 vụ trồng dưa lưới và cà chua cho thấy năng suất đạt cao gấp 3 - 4 lần so với trồng ngoài ruộng thường.
Ông Trung băn khoăn, sản phẩm làm ra mặc dù sản xuất theo quy trình an toàn, nhưng lại phải bán theo giá thị trường tự do nên thu nhập chưa tương xứng. Do vậy, nguyện vọng của HTX, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho HTX mở địa điểm bán sản phẩm tại thị trấn Con Cuông để phục vụ nhu cầu người tiêu dùng, tăng thu nhập cho xã viên.  
Ông Nguyễn Văn Lập - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho rằng: Phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là rất cần thiết trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đối với Nghệ An, nhiều tổ chức HTX, tổ hợp tác ngoài quan tâm đến năng suất, còn coi trọng đến chất lượng, đầu ra cho sản phẩm “chuỗi sản xuất”. Các HTX đã chủ động giải quyết đầu ra cho sản phẩm theo hướng tích cực nhưng chưa phổ biến, chưa nhiều. Đây đang là khó khăn lớn của nhiều doanh nghiệp, HTX hiện nay.
 
Theo Xuân Hoàng/baonghean.vn