Nông thôn Hà Nội “thay da đổi thịt” nhờ xây dựng nông thôn mới
- Thứ tư - 05/03/2014 05:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhiều mô hình sản xuất năng suất cao, nhiều gương điển hình tích cực trong hiến đất làm đường, làm các công trình phúc lợi đã xuất hiện. Bộ mặt nông thôn đã khởi sắc với hệ thống cơ sở hạ tầng khang trang hơn, thu nhập của người nông dân từng bước được nâng cao. Người dân phấn khởi, yên tâm sản xuất và sinh sống. Đề cập tới hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) tại địa bàn xã Phú An Nam, huyện Chương Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Bộ cho rằng, nhờ thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của một xã vùng sâu, vùng xa huyện Chương Mỹ đã có sự “thay da đổi thịt” một cách rõ rệt. Theo đó, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được ổn định và giữ vững, nhân dân vô cùng phấn khởi, yên tâm sinh sống và lao động, sản xuất. Xã đã đạt nhiều kết quả to lớn và tương đối toàn diện.
Nghiêm túc tiếp thu đầy đủ chương trình cụ thể hóa của huyện ủy Chương Mỹ nhằm triển khai xây dựng NTM gắn với công tác dồn điền đổi thửa, đồng thời nhận thức được tính đúng đắn, phù hợp của chương trình, từ năm 2012 đến nay, Đảng ủy xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo từ xây dựng các văn bản, phương án tới xây dựng kết hoạch tổ chức tuyên truyền, thực hiện, xác định dồn điền đổi thửa là khâu đột phá trong phát triển nông nghiệp. Đảng ủy xã cũng xác định đây cũng là một việc làm không đơn giản và nếu không nỗ lực, không có quyết tâm cao, không có phương án, giải pháp phù hợp, không tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân thì khó thành công khi thực hiện. Vì thế, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã đã tập trung chỉ đạo sát sao, quyết liệt, linh hoạt, phù hợp thực tiễn địa phương, thông qua tuyên truyền và các hội nghị ở xã, ở thôn để làm sáng tỏ những nội dung vấn đề người dân chưa hiểu, kịp thời giải thích thỏa đáng để nhân dân từng bước tiếp thu và thực hiện.
Được biết, sau 5 tháng triển khai, từ tháng 8/2012 đến 1/2013, xã đã xây dựng các văn bản, tổ chức học tập trong toàn dân và hoàn thành toàn bộ công tác dồn điền đổi thửa với 210ha/210ha. Kết quả vụ xuân và vụ mùa 2013, bà con nông dân đã thu nhiều thắng lợi về năng suất và sản lượng, chi phí cho sản xuất giảm, góp phần làm thu nhập tăng. Tính đến thời điểm này, xã cơ bản đạt 18/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia. Có thể thấy, Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội là một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Kết quả đạt được nhờ triển khai thực hiện Chương trình đã tạo nên chất lượng cuộc cuộc sống thay đổi và phát triển về mọi mặt cho nhân dân minh chứng rõ nét đó là chất lượng cuộc sống của người dân trong xã đã được thay đổi rõ rệt, kinh tế phát triển mạnh mẽ. Năm 2011, thu nhập bình quân đầu người mới đạt 14 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 9,2% song đến hết năm 2013, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 19 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo theo tiêu chí mới chỉ còn 3,7%... Đồng chí Nguyễn Tấn Bình, Bí thư Chi bộ cụm dân cư thôn trung Thôn, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội, từ khi làm điểm xây dựng NTM, sau 3 năm thực hiện, xã đầu tư cho cụm hơn 10 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 500 triệu đồng và 231 ngày công kè gạch và đổ bê tông 1 tuyến đường liên thôn dài 965m, rộng 4m, 1 nhà văn hóa, 2 trạm bơm tưới tiêu hiện đại công suất 200m3/giờ, 1 tuyến đường máng xây dẫn nước tưới dài 790m, 1 đình làng, 2 trạm biếm áp tổng công suất 850kva và 1 tuyến đường dây cao thế. Ngoài ra, nhân dân còn đóng góp hơn 800 triệu đồng mua sắm thêm trang thiết bị bàn ghế, loa đài nhà văn hóa, làm đường bê tông, hoàn thiện một số tuyến đường liên xóm liên thôn, san lấp 2 bãi rãi thác làm sân chơi cho trẻ em khu dân cư.
Từ những việc làm trên, bộ mặt nông thôn cụm dân cư thôn Trung Thôn nói riêng và xã nói chung đã thay đổi hoàn toàn, đường giao thông liên xã, liên thôn, đường giao thông thủy lợi nội đồng được kè đá rộng thênh thang đi lại thuận tiện dễ dàng, xe vận tải 1,5 tấn vào được hết các ngõ xóm vận chuyển hàng hóa tạo điều kiện cho người dân mở rộng sản xuất kinh doanh, mua sắm hàng trăm máy móc các loại như máy dập, máy cắt, máy xẻ, máy khoan, máy tiện sản xuất ra nhiều mặt hàng mặt hàng tinh xảo, mẫu mã đẹp, chất lượng cao. Có đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt... Tính đến hết năm 2013, tổng thu nhập bình quân đầu người đạt 27-28 triệu đồng/người/năm, thu nhập chủ yếu là từ sản xuất hàng hóa thủ công nghiệp, thu từ sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 5%. Hiện nay, toàn thôn có trên 50% nhà cao tầng từ 2 đến 5 tầng còn lại là nhà mái bằng kiên cố và nhà gỗ, không có nhà tranh, có 30% hộ giàu, 40% hộ có mức sống khá còn lại trung bình. Năm 2013, còn 4 hộ nghèo trong toàn cụm.
Trong thực hiện xây dựng NTM gắn với dồn điển đổi thửa, ở Hà Nội cũng đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình, trong đó phải kể đến ông Phùng Mạnh Thực, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong xã Hòa Thạch, Quốc Oai, Hà Nội. Xã Hòa Thạch là xã bán sơn địa đồi gò nằm ở phía Tây huyện Quốc Oai, có diện tích 1.851ha. Đường giao thông nội địa, thôn xóm xã Hòa Thạch còn chật hẹp, phần lớn chưa cứng hóa. Việc đi lại của nhân dân và các phương tiện khó khăn dặc biệt vào mùa mưa nên còn khó khăn trong việc phát triển sản xuất nông nghiệp. Hưởng ứng cuộc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông xóm và giao thông nội đồng xây dựng nông thôn mới, cá nhân ông Phùng Mạnh Thực đã vận động gia đình hiến 758m2 đất ở để làm đường giao thông góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc dồn điền đổi thửa. Ngoài ra, ông còn vận động nhân dân trong địa phương cùng các gia đình đồng sức, đồng lòng tham gia xây dựng NTM bằng mọi hình thức như ủng hộ bằng tiền, ngày công, hiện vật, hiến đất... Có thể thấy, xây dựng NTM là chủ trương lớn. Để phát huy hiệu quả hơn nữa của chủ trương này, theo Bí thư Đảng ủy xã Phú An Nam Lê Văn Bộ, để quá trình triển khai xây dựng NTM trên địa bàn xã tiếp tục đạt hiệu quả như mong muốn, đề nghị Thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo địa phương đồng thời có những cơ chế, chính sách phù hợp, thuận lợi cho việc tạo nguồn kinh phí phục vụ đầu tư xây dựng NTM nhất là giảm bớt quy trình và thủ tục đấu giá quyền sử dụng đất ở các cơ sở, sớm tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở để có kinh phí tập trung đầu tư sớm hoàn thành xây dựng NTM. Còn theo đồng chí Nguyễn Tấn Bình, Bí thư Chi bộ cụm dân cư thôn trung Thôn, xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội, từ thành công của xây dựng NTM trên địa bàn cụm dân cư, có thể rút ra bài học kinh nghiệm là: việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân phải kiên trì, thuyết phục gặp gỡ trao đổi với nhiều đối tượng, thành phần trong nhân dân, làm thật công khai, dân chủ, công tâm, bàn bạc thấu đáo để người dân hiểu rõ từng vấn đề tạo sự đồng thuận tin tưởng trong nhân dân; Các công trình xây dựng phải được khảo sát thiết kế cẩn thận, chu đáo, thuận tiện phát huy tác dụng; Chất lượng xây dựng các công trình phải được bảo đảm tốt về chất lượng, kỹ thuật, mỹ thuật, tuyệt đối không có sự dối trá, bớt xén vì nhân dân theo dõi rất sát sao trong công tác xây dựng các hạng mục công trình./. | ||||
Các từ khóa theo tin: | ||||
Việt Hà theo dangcongsan |