Nông thôn mới trên vùng cao nguyên đất đỏ

QĐND - Đắc Lắc là tỉnh miền núi với 184 xã, phường, thị trấn, trong đó có tới 44 xã nghèo và 129 thôn, buôn đặc biệt khó khăn. Khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), hầu hết các xã trong tỉnh đều có xuất phát điểm rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Tuy nhiên, sau 5 năm nỗ lực vượt khó bằng nhiều giải pháp đồng bộ, “hình hài” của NTM ở tỉnh miền núi nơi vùng đất đỏ ba-zan này đã dần rõ nét với những kết quả đáng ghi nhận.

Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực

Tại xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, đi trên những con đường bê tông sạch đẹp với rực rỡ cờ hoa, biểu ngữ chào mừng Đại hội lần thứ XII của Đảng, chúng tôi cũng cảm thấy vui lây trước những thành quả của đồng bào các dân tộc nơi đây khi Hòa Đông là một trong những xã đầu tiên của Đắc Lắc hoàn thành sớm xây dựng NTM. Ít ai nghĩ rằng, khi chương trình xây dựng NTM triển khai tại đây năm 2011, xã chỉ mới đạt 7/19 tiêu chí về NTM. Một số tiêu chí về hệ thống giáo dục, giao thông nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người còn rất hạn chế. Hòa Đông còn là một xã “điểm nóng” về an ninh trật tự của tỉnh Đắc Lắc thời điểm đó.

Nông thôn mới trên vùng cao nguyên đất đỏ

Người dân tỉnh Đắc Lắc tích cực đóng góp sức người, sức của xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới trên vùng cao nguyên đất đỏ

Người dân xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắc Lắc trồng cây cà phê từ nguồn vốn chính sách ưu đãi xây dựng nông thôn mới.

Nông thôn mới trên vùng cao nguyên đất đỏ

Lực lượng đoàn viên, thanh niên tham gia xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện chương trình xây dựng NTM, mỗi cán bộ, đảng viên trong xã gương mẫu, là người đi đầu trong từng việc làm cụ thể để người dân thấy và ủng hộ, làm theo. Điển hình như trong quá trình làm đường giao thông trong xóm, một số cán bộ, đảng viên đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đem thế chấp ngân hàng vay tiền để ứng trước, giúp địa phương đẩy nhanh tiến độ làm đường. Sau gần 5 năm triển khai thực hiện, đến tháng 6-2015, xã Hòa Đông đã đạt đủ 19 tiêu chí, bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, khởi sắc, hệ thống giao thông được đầu tư cứng hóa hơn 90%, trường học các cấp được xây dựng đầy đủ, khang trang, số hộ nghèo giảm xuống còn 3,4%, thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/năm, tăng gấp đôi so với năm 2010. An ninh trật tự được bảo đảm, xã Hòa Đông trở thành đơn vị dẫn đầu của tỉnh về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Để có được diện mạo của NTM như hôm nay, không thể không nhắc đến vai trò “bà đỡ” của các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, trong đó phải kể đến sự chung tay góp sức của cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công 198 (Binh chủng Đặc công). Trao đổi với chúng tôi, Đại tá Phan Ích Dân, Chính ủy Lữ đoàn cho biết: Với đặc thù là đơn vị sẵn sàng chiến đấu nên việc hỗ trợ, giúp đỡ địa phương trong xây dựng NTM đều do cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị thực hành tiết kiệm và đóng góp công sức. Những năm qua, cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn đã đóng góp hàng nghìn ngày công, xây dựng được hơn 30km đường bê tông, trong đó riêng xã Hòa Đông xây dựng được hơn 10km; tổ chức khám, chữa bệnh cho bà con ở vùng sâu, vùng xa; xây dựng nhà đại đoàn kết... Chỉ tính riêng năm 2015, bằng nguồn vốn tiết kiệm, lữ đoàn đã xây dựng và trao tặng 15 nhà đại đoàn kết tặng các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Ngoài ra, hằng năm, cán bộ, chiến sĩ của lữ đoàn còn thực hiện Phong trào “Hũ gạo vì người nghèo” và đã tiết kiệm mỗi năm 2,4 tấn gạo để hỗ trợ những hộ nghèo trên địa bàn các xã nơi đơn vị đứng chân.

Nhà nước và nhân dân cùng làm

Đã ở tuổi 70, nhưng già làng Ma Nhất ở buôn Chóa, xã Dlyê Yang, huyện Ea H’leo vẫn luôn tích cực tham gia công tác cơ sở. Hằng ngày, ông dành nhiều thời gian đi nắm tình hình, thăm hỏi, động viên các gia đình trong buôn. Khi có chủ trương xây dựng NTM, già làng Ma Nhất đã tích cực tuyên truyền, động viên bà con nỗ lực phấn đấu. Già làng gương mẫu đi đầu góp tiền làm đường mới, mọi nhà trong buôn đã tích cực làm theo. Từ năm 2011 đến nay, cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, gần 200 hộ ở buôn Chóa đã đóng góp hơn 320 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn. Già làng Ma Nhất tự hào: “Bây giờ buôn đã có đường nhựa, đường bê tông rồi, có nhà văn hóa cộng đồng mới khang trang, mọi người phấn khởi xây dựng NTM. Nhờ có Đảng, có Bác Hồ, bà con mới được đổi đời như hôm nay. Ơn này lòng dân Tây Nguyên mãi khắc ghi!”.

Không chỉ riêng xã Hòa Đông mà nhiều xã, huyện trên địa bàn tỉnh đã có nhiều cách làm hay, huy động được tối đa nguồn lực trong dân để xây dựng NTM. Nhiều địa phương thực hiện hiệu quả công tác này khi thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và những chính sách hỗ trợ “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tạo điều kiện cho người dân phát huy vai trò làm chủ trong xây dựng NTM. Tại huyện Ea Kar, ngay từ khi bước vào triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức phong phú. Nhiều xã đã có những cách làm hay, thu hút nguồn lực phù hợp nên đã huy động được sự tham gia đóng góp của người dân và cả cộng đồng. Kết quả, sau 5 năm thực hiện chương trình, kết cấu hạ tầng thiết yếu của các xã đã được tập trung đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp và từng bước đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dân sinh, trong đó nhân dân đã đóng góp 152,1 tỷ đồng.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, khi mới triển khai xây dựng NTM, toàn tỉnh Đắc Lắc có 152 xã thực hiện chương trình và bình quân mới chỉ đạt 3,3 tiêu chí/xã. Trước những khó khăn trên, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh xác định công tác tuyên truyền, vận động phải đi đầu, đồng thời thực hiện theo hướng chọn tiêu chí dễ làm trước, tiêu chí khó làm sau, lồng ghép các chương trình, dự án khác để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân…

Ông Y Đhăm Ênuôl, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắc Lắc, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng NTM của tỉnh khẳng định: “Chương trình đã làm thay đổi nhận thức của đa số người dân về xây dựng NTM. Từ chỗ số đông còn tư tưởng ỷ lại vào đầu tư của Nhà nước đã chuyển sang chủ động, tích cực tham gia, và xây dựng NTM đã trở thành phong trào sôi động khắp tỉnh. NTM ở Đắc Lắc đã dần rõ nét khi hệ thống hạ tầng nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt nhiều vùng nông thôn. Điều kiện sống cả về vật chất và tinh thần của dân cư nông thôn phát triển rõ rệt. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của người dân".

Trong 5 năm qua, tổng nguồn vốn huy động cho xây dựng NTM của toàn tỉnh Đắc Lắc đạt hơn 37.400 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp được gần 1.000 tỷ đồng tiền mặt, hiến tặng gần 100.000m2 đất và hàng trăm nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến nay, toàn tỉnh có 7 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đang lập hồ sơ công nhận đạt chuẩn, 40 xã đạt 13-18 tiêu chí; 34 xã đạt 10-12 tiêu chí, 62 xã đạt 5-9 tiêu chí; 6 xã đạt 3-4 tiêu chí. Bình quân toàn tỉnh đạt 10,43 tiêu chí/xã, tăng 7,09 tiêu chí so với năm 2011, cao hơn bình quân vùng Tây Nguyên.

Để có được diện mạo NTM như hôm nay, cùng với sự lãnh đạo của chính quyền địa phương thì điều quan trọng chính là sự đồng thuận, ủng hộ của người dân. Đây là yếu tố quan trọng giúp cho quá trình triển khai được thuận lợi và đạt hiệu quả. Những kết quả đã đạt được sẽ là tiền đề, là đòn bẩy để Đắc Lắc thực hiện thành công các mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2016-2020.

MINH MẠNH
theo 
QĐND