Nông trại 5,2ha trồng đủ các loại rau củ theo mùa ven sông ở Hà
- Thứ sáu - 02/03/2018 04:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nông trại Liên Hiệp được anh vỡ đất từ năm 2016 tại xã Thi Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam. Bãi đất rộng lớn, anh Hiệp phải thuê thêm 10 lao động địa phương để cùng canh tác hàng chục loại rau màu.
Anh Hiệp cho biết, ý tưởng sở hữu trang trại rau sạch của riêng mình được anh ấp ủ sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nông nghiệp. Sau nhiều năm làm việc cọ xát với nhiều dự án nông nghiệp của các công ty nước ngoài, anh càng quyết tâm thuê 5,2ha đất bãi ven sông Đáy để thực hiện giấc mơ.
Mùa nào thức nấy, mỗi vụ nông trại trồng khoảng 50-60 loại rau ăn lá, củ quả khác nhau như bắp cải, khoai tây, su hào, súp lơ… Đầu năm 2017, anh cũng trồng thử nghiệm thêm 2 sào măng tây.
Theo anh Hiệp, sản xuất nông nghiệp bấp bênh, phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết và đầu ra của sản phẩm. Có những loại rau được người tiêu dùng đặt nhiều nhưng không sản xuất kịp vì thời tiết bất lợi, ngược lại thời điểm rau được mùa thì giá lại rẻ. Bởi thế, anh lựa chọn đa dạng hóa sản phẩm và ưu tiên trồng các loại rau được thị trường ưa chuộng.
Ngay từ khi bắt tay gây dựng nông trại trong mơ, anh Hiệp đã chủ động tuân thủ quy trình trồng nghiêm ngặt; phân chia lịch phun thuốc bảo vệ thực vật và cách ly đúng quy định; ưu tiên phân bón hữu cơ, phân chuồng ủ từ bã đậu tương lên men theo quy trình lên men cám của Nhật Bản.
Trước mỗi mùa vụ mới, anh Hiệp thường phay đất kỹ lưỡng, phơi ải 6-7 ngày giúp đất hấp thụ oxy tối đa và loại bỏ bớt mầm bệnh cũ. Nhờ đó, hạn chế được lượng thuốc bảo vệ thực vật phải sử dụng.
Để đảm bảo đầu ra, anh Hiệp tự liên hệ với các bếp ăn khu công nghiệp, nhà máy; cửa hàng thực phẩm sạch; trường học quanh huyện Kim Bảng và TP Phủ Lý để ký hợp đồng cung cấp rau củ. Hiện mỗi ngày anh cung ra thị trường 400-500 kg, thời kỳ cao điểm có thể lên đến một tấn. Trừ chi phí, mỗi năm nông trại thu về được 100-150 triệu đồng.
Ngoài nông trại của anh Hiệp, huyện Kim Bảng cũng có nhiều mô hình sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Văn Xá (3,3ha), Đồng Hóa (4ha), Nhật Tân (5.000 m2) nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch ngày càng tăng tại địa phương. Đây cũng là những mô hình tiêu biểu trong chương trình liên kết sản xuất nông sản sạch, liên kết các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, hướng tới sản xuất bền vững tại Hà Nam.