Nữ 9X khởi nghiệp với cây mắc ca

(NTD) - Tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị kinh doanh trường Cao đẳng thương mại Đà Nẵng và trải qua nhiều vị trí như: Lễ tân, CEO, bán hàng... nhưng cuối cùng, Nguyễn Thị Thu Phương (SN 1992) ở thôn Lộc Xuân, xã Phú Lộc, huyện Krông Năng, Đắk Lắk lại bén duyên với cây mắc ca trên chính quê hương mình.

Gia đình Phương có 4 anh chị em đều làm công chức Nhà nước, riêng Phương bản tính năng động nên chọn ngành Quản trị kinh doanh để thỏa chí tang bồng. Ngay từ khi còn là sinh viên, Phương đã tập tành kinh doanh bằng cách mang những sản phẩm đặc trưng của vùng đất đỏ bazan như: Bơ, sầu riêng, mật ong rừng Đắk Lắk ra Đà Nẵng bán để kiếm thêm thu nhập và tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Ngày ra trường (năm 2013), chị nộp hồ sơ xin việc ở nhiều nơi, chấp nhận làm công việc trái nghề như lễ tân khách sạn, làm CEO, bán hàng… với mong muốn lập nghiệp ở “thành phố đáng sống”.

YUU3
Phương nuôi ước mơ xây dựng thương hiệu mắc ca Đắk Lắk.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài bám trụ, năm 2016, Phương nhận ra mình không có duyên với vùng đất này nên quay về quê nhà. Thời điểm đó đúng vào vụ thu hoạch mắc ca, nhìn những hạt mắc ca to tròn, xanh mướt, Phương chợt nảy ra ý tưởng kinh doanh. Chị lên mạng tìm hiểu thông tin, đi tham quan thực tế một số công ty chuyên sản xuất, chế biến mắc ca thành phẩm ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) nhưng do đây là lĩnh vực mới nên chưa có nhiều mô hình, tài liệu liên quan cho chị học tập. Dù vậy, Phương vẫn quyết định theo đuổi với ý nghĩ “ít người làm thì mình có nhiều cơ hội”.

Đem ý tưởng ấp ủ chia sẻ với gia đình, Phương vấp phải sự phản đối quyết liệt vì lo sợ thân nữ “liễu yếu đào tơ” như chị sao làm nổi những công việc liên quan đến máy móc, tay chân. Kiên trì thuyết phục, lâu dần ba mẹ cũng xuôi theo, đứng ra vay người thân 400 triệu đồng cho chị thử sức. Có vốn trong tay, Phương đầu tư mua sắm máy dập hạt, máy sấy, hút chân không và mua 4 tấn hạt mắc ca tươi. Ở Việt Nam chưa có máy dập hạt mắc ca chuyên biệt, trong khi máy nhập về từ nước ngoài có giá thành cao nên Phương chọn mua máy dập các loại hạt thông dụng rồi mang đến tiệm cơ khí gia công lại cho phù hợp.

Lo xong phần máy móc, Phương gặp phải khó khăn mới về khâu bảo quản. Hạt mắc ca có lượng dầu rất lớn nên khi dập hạt xong để một thời gian hay bị ra dầu, ẩm mốc. Chị thử đi thử lại nhiều lần với nhiều cách khác nhau nhưng vẫn không có kết quả. Sản phẩm lỗi liên tục, lỗ gần 60 triệu đồng. Thấy Phương bắt đầu nản chí, mẹ chị - bà Nguyễn Thị Cược, luôn động viên con gái tiếp tục kiên trì “bởi ai mới làm lần đầu mà không gặp thất bại”. Lấy lại tinh thần, Phương đêm ngày lao vào công việc, và cuối cùng thành công đã mỉm cười với chị. Mẻ hạt mắc ca đầu tiên Phương dành tặng người thân ăn thử được đánh giá cao. Nhận được phản hồi tích cực, Phương càng có động lực, dồn hết tâm huyết cho ra lò tiếp nhiều mẻ mắc ca thơm ngon, béo ngậy. Sau đó, Phương thiết kế bao bì, mẫu mã và mang sản phẩm “Mắc ca Nguyên Phương” đi đăng ký logo thương hiệu, xin giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…

YU1
Cô chủ nhỏ Nguyên Phương và vườn mắc ca tại Đắk Lắk.

Nhờ sản phẩm đạt chất lượng, giá cả phải chăng nên chỉ trong thời gian ngắn, 4 tấn mắc ca của Phương đã bán hết sạch, nhiều khách hàng muốn đặt mua tiếp nhưng đành chờ vào mùa sau. Vì Phương chỉ bán hạt mắc ca của chính vùng đất Đắk Lắk để bảo đảm uy tín, chất lượng chứ không chạy theo lợi nhuận nhập mắc ca khác về bán. “Mắc ca được mệnh danh là loại cây siêu lợi nhuận, cây tỷ đô… đang được nhiều nông dân ở Đắk Lắk chọn trồng với hy vọng làm giàu. Tuy nhiên, hiện nay giá thu mua tại vườn chưa cao, chỉ từ 90.000-100.000 đồng/kg tươi nên mình muốn xây dựng thương hiệu sản phẩm mắc ca cho chính quê hương của mình” - chị Phương tâm sự.

Theo Nguoitieudung.com.vn