Nuôi bồ câu tưởng “làm chơi”, ai ngờ bỏ túi 15 triệu đồng/tháng
- Thứ sáu - 30/03/2018 23:12
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tưởng “làm chơi” ai ngờ “ăn thật”
Chị Thủy cho biết, chị “bén duyên” nuôi bồ câu cách đây 7 - 8 năm. “Khi đó gia đình tôi nuôi cho vui, chủ yếu nuôi ít cặp đẻ trứng để bồi bổ cho con. Sau đó, vợ chồng tôi thấy hứng thú nên gây nuôi dần đến nay. Trên diện tích 25 m2, tôi cùng chồng xây dựng chuồng trại, mua 45 cặp bồ câu giống về nuôi. Vợ chồng tôi tự mày mò, tự học, tự làm mọi việc. Từ những cặp giống ban đầu nuôi hiệu quả, lấy ngắn nuôi dài, gia đình nhân giống dần lên. Vừa bán giống cho người dân mua nuôi, vừa bán bồ câu thịt, nguồn lãi ban đầu đều đầu tư vào chuồng trại”, chị Thủy cho biết.
Tuy nhiên, năm 2012, vợ chồng chị gặp thất bại. Từ một con bị bệnh đã nhanh chóng lan cả đàn khiến 250 cặp bồ câu chết. Tổn thất lúc đó hơn 50 triệu đồng. “Do khi đó tôi chưa biết cách chăm sóc, lại chưa rành thú y, phòng ngừa dịch bệnh. Đặc biệt, khi bồ câu bị bệnh phân xanh, phân trắng mà không để ý thì sẽ tổn thất nặng. Khi bị bệnh này, con bồ câu vẫn ăn uống bình thường, nhưng khi lụy
điều trị thuốc thì bồ câu sẽ mất một thời gian không đẻ…”, chị Thủy chia sẻ kinh nghiệm.
Từ thất bại đó, chị cùng chồng quyết tâm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật chăm sóc bồ câu. Sau đó, gia đình đầu tư một cách bài bản, và số lượng bồ câu giống ngày càng tăng lên.
Lãi gần 200 triệu đồng/năm
Hiện với hơn 1.000 cặp bồ câu nuôi trên diện tích 200 m2, vừa chăm sóc vừa nuôi bán thịt và nhân giống, mỗi tháng chị bán ra thị trường khoảng 600 con. Với giá bồ câu thịt khoảng 70.000 - 100.000 đồng/cặp; con giống 200.000 đồng/cặp 2 tháng tuổi; 350.000 đồng/cặp đối với bồ câu biết đẻ. Hàng tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình chị thu lãi khoảng 15 - 20 triệu đồng.
“Bồ câu nuôi 6 tháng là bắt đầu sinh sản. Mỗi cặp chim bồ câu có thể đẻ tới 7 - 8 lứa/năm”, chị Thủy chia sẻ. Gia đình chị còn nghiên cứu lắp đặt giàn nước uống tự động cho hơn 1.000 cặp bồ câu, tiết kiệm rất nhiều thời gian cho bồ câu uống nước.
Theo chị Thủy, nuôi chim bồ câu Pháp dễ hơn các loại gia cầm khác. Bởi giống này ít bị bệnh, thích ứng tốt với điều kiện nuôi nhốt nên không mất nhiều công chăm sóc, chi phí thấp mà hiệu quả kinh tế cao. Muốn chim lớn nhanh, khỏe mạnh, không mắc bệnh, phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, thức ăn, nước uống phải sạch sẽ; tiêm thuốc phòng bệnh, thuốc bổ định kỳ; mỗi ngày cho ăn giờ cố định 2 lần vào buổi sáng và tối.
“Nói dễ nhưng cũng phải biết kỹ thuật nuôi và chăm sóc để tránh dịch bệnh, nếu không thì hiệu quả thấp. Ví như, khi gặp thức ăn lạ, bồ câu sẽ không phát triển và sinh sản được”, chị Thủy nói thêm.
Không chỉ dừng lại ở nuôi bồ câu Pháp, chị Thủy cùng chồng còn đi học hỏi nuôi bồ câu cảnh xoè Nhật, nuôi thành công gần 20 cặp bồ câu Nhật giống. Đồng thời, vợ chồng chị cũng nhân giống bán cho nhiều người; mỗi cặp bồ câu cảnh Nhật giống bán từ 800.000 - 1 triệu đồng.
Quý vị quan tâm mô hình nuôi bồ câu Pháp có thể liên hệ chị Thủy, SĐT: 0934 806 288.