Nuôi bò giúp nông dân làm giàu

Nuôi bò giúp nông dân làm giàu
Những năm gần đây, các dự án đầu tư vào chăn nuôi bò và phong trào chăn nuôi tự phát của người dân Tiền Giang đã và đang phát triển mạnh mẽ, đem lại hiệu quả kinh tế cao và được Ban xóa đói giảm nghèo của tỉnh chọn là vật nuôi chủ lực giúp người chăn nuôi có thêm điều kiện phát triển kinh tế.
 
Nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, làm giàu nhờ nuôi bò
Đến nay, toàn tỉnh có đàn bò với số lượng trên 78.000 con. Nhiều trang trại chăn nuôi cũng xuất hiện, bình quân từ 5- 20 con/trang trại; các mô hình, tổ hợp tác, tổ chăn nuôi bò cũng được ra đời tại từng địa bàn. Đây là nơi để người dân trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ vốn lẫn nhau để phát triển kinh tế.

 
Ông Phạm Văn Minh, xã Đăng Hưng Phước, huyện Chợ Gạo chia sẻ: "Trong tổ có 52 người vay để nuôi bò từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT. Thấy lợi nhuận từ việc nuôi bò, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn để nuôi. Riêng gia đình ông vừa mua thêm 2 con, giờ đàn bò là 7 con bò thịt".
 
Đến thăm hộ ông Cao Văn Ân, xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, một gia đình thoát nghèo tiêu biểu, được ông chia sẻ kinh nghiệm về chăn nuôi bò sữa: “Nuôi bò sữa phải tuân thủ nghiêm ngặt về chế độ dinh dưỡng và thời gian cho ăn hàng ngày. Bò sữa nuôi trong vòng 2 năm bắt đầu khai thác sữa. Để đảm bảo chi phí đầu vào và mức lãi, ông Ân đã linh hoạt phối trộn nguồn thức ăn hỗn hợp gồm: Xác bia, bã đậu và thức ăn chăn nuôi. Mỗi ngày, trung bình 1 con bò sữa được cung cấp khoảng 12 kg hỗn hợp thực phẩm, kết hợp ăn thêm cỏ tươi do gia đình trồng”.

 
Nói về hiệu quả kinh tế, ông Ân phấn khởi vì hiện nay giá sữa tăng cao, không còn bấp bênh như những năm trước. Với mức giá này, bò sữa đang mang lại thu nhập ổn định hơn hẳn so với các ngành chăn nuôi khác. Hiện tại, ông Ân đã phát triển được 6 con bò sữa với 4 con đang cho sữa. Mỗi ngày, bình quân cho khoảng 17 kg sữa tươi/con, với mức giá hiện tại 14.000 đồng/kg, gia đình ông thu lãi trên 400 ngàn đồng/ngày.
 
Những dự án chăn nuôi bò cũng phát triển mạnh trong các ban ngành, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…. Bằng nhiều hình thức như: Góp xoay vòng, vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi, tạo điều kiện tối đa để bà con có thể thoát nghèo một cách bền vững nhất.
 
Nhiều dự án chăn nuôi giúp đàn bò phát triển mạnh
Hội Nông dân huyện Châu Thành triển khai thực hiện dự án chăn nuôi và đã giải ngân cho 30 hộ nông dân xã Long An có nhu cầu vay vốn từ nguồn vốn của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Tổng tiền vốn 700 triệu đồng (mỗi hộ vay từ 20- 30 triệu đồng), thời hạn 3 năm trả nợ (2012 - 2015).

 
Bên cạnh đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Chợ Gạo vận động được nguồn Quỹ "Ngày vì người nghèo" để hỗ trợ hộ nghèo mượn vốn không tính lãi nuôi bò. Huyện đã thực hiện được 6 dự án nuôi bò ở các xã: Bình Ninh, Lương Hòa Lạc, Tân Bình Thạnh, Bình Phan, An Thạnh Thủy và Song Bình với số vốn 400 triệu đồng. Vào năm 2011, Ban vận động Quỹ "Ngày vì người nghèo" huyện đã giải ngân số tiền trên cho 40 hộ ở các xã: Bình Phục Nhứt, Tân Thuận Bình, Long Bình Điền và Trung Hoà.

 
Các huyện như: Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây... là những địa phương đi đầu trong việc phát triển nghề nuôi bò thương phẩm, làm giàu cho hộ nông dân. Với lợi thế có nguồn thức ăn tại chỗ phong phú, dồi dào, nông dân có trình độ thâm canh cao, đầu ra thuận lợi, tỉnh xác định bò là vật nuôi chủ lực trong cơ cấu ngành chăn nuôi địa phương, giúp diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn thay đổi nhanh chóng theo Nghị quyết của Đảng về “Tam nông” đã đề ra; phấn đấu đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm còn 3,2%.
 
Nhiều địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cũng đã giảm đáng kể so với những năm trước, cụ thể: Xã Đăng Hưng Phước huyện Chợ Gạo chỉ còn dưới 3%; Vĩnh Hựu- huyện Gò Công Tây 3,4%; xã Tân Thanh- huyện Cái Bè chỉ còn dưới 3% hộ nghèo...

 
Thời gian tới, tỉnh Tiền Giang sẽ tăng cường hoàn thiện hệ thống giống và dịch vụ kỹ thuật chăn nuôi đáp ứng nhu cầu con giống, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Ðối với người chăn nuôi, muốn nuôi bò thịt có hiệu quả đòi hỏi phải bỏ tập quán chăn thả tự nhiên, chuyển sang hình thức chăn nuôi thâm canh, với mức đầu tư cao, theo đúng quy trình kỹ thuật. Ngoài đầu tư con giống, chuồng trại, người chăn nuôi phải chú ý đầu tư thức ăn tinh hỗn hợp vỗ béo cho bò trước khi bán thịt, nhất là việc trồng cỏ để bảo đảm thức ăn thô xanh.
 
Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, nhân viên dẫn tinh và đầu tư giống bò thịt theo hai chương trình là phối tinh nhân tạo và nhân giống trực tiếp bằng bò đực giống thuần nhằm đạt mục tiêu đưa tỷ lệ đàn bò lai chiếm 80% tổng đàn vào năm 2016.

Theo Hội Nông dân