Nuôi bò sữa thu nhập ổn định
- Thứ ba - 02/09/2014 23:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Lê Công Thuận, chuyên viên Phòng NN-PTNT huyện Đức Hòa tự hào khoe: “Nói về phong trào chăn nuôi bò sữa thì không có nơi nào phát triển mạnh như ở Đức Hòa. Hiện toàn huyện có gần 5.500 con bò sữa, chiếm hơn 70% số lượng bò sữa của tỉnh. Trung bình mỗi hộ dân nuôi từ 8 - 10 con, hộ cao nhất lên đến 70 con. Mỗi ngày toàn huyện cung cấp hơn 50 tấn sữa cho 2 công ty Vinamilk và Dutch Lady”.
Long An có điều kiện tự nhiên thuận lợi để đẩy mạnh việc phát triển chăn nuôi. Cộng thêm vị trí của tỉnh nằm gần các nhà máy SX sữa lớn ở TP.HCM nên hầu hết người nuôi bò sữa đều được kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đơn vị thu mua, đảm bảo đầu ra được ổn định.
Để việc chăn nuôi bò sữa phát triển theo hướng bền vững, hơn một năm nay huyện Đức Hòa đã quy hoạch hơn 230 ha đất chuyên để trồng cỏ nuôi bò. Các loại có năng suất cao được người dân trồng chủ yếu như cỏ voi, VA06.
Riêng những chân ruộng thấp trũng, cỏ Pasppalum, Mutalo, cỏ Long Tây dễ sống và phát triển tốt hơn. Với năng suất cỏ 50 tấn/ha, chu kỳ cắt 55 ngày/lần, là lượng thức ăn dồi dào đủ để cung cấp cho đàn bò trong mùa nắng lẫn mùa khô.
Anh Lâm Thanh Hậu, xã Tân Phú cho biết: “Hai việc khó nhất trong chăn nuôi bò, đó là vốn và đất trồng cỏ. Để có một cơ sở chăn nuôi bò sữa từ 4 - 6 con thôi cũng cần khoảng 150 - 200 triệu đồng, đây là một số vốn không nhỏ đối với người nông dân chúng tôi. Để cung cấp thức ăn cho 4 con bò sữa, gia đình tôi mỗi ngày phải cho chúng ăn tầm 80 kg cỏ. Hai sào đất nhà tôi trồng chẳng kịp cho chúng ăn”.
Tín hiệu đáng mừng của mô hình chăn nuôi bò sữa đó là dịch vụ “ăn theo”. Với những hộ gia đình không có vốn để nuôi bò, họ vẫn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng cỏ để bán cho những hộ chăn nuôi. Giá cỏ voi bán sỉ tại ruộng là 500 đồng/kg, giao tận nơi là 800 đồng/kg.
Với cách làm này, những hộ nuôi bò sữa với số lượng lớn không còn sợ thiếu cỏ. Những hộ trồng cỏ lại có thể thu nhập quanh năm, bớt công chăm sóc nhưng lợi gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa.
Anh Võ Văn Sinh, thị trấn Hậu Nghĩa đã có 6 năm kinh nghiệm trong việc nuôi bò sữa. Thời gian đầu, số vốn anh vay được chỉ đủ để phát triển 4 con. Nhưng đến thời điểm hiện tại, nhà anh đã có 11 con bò cái sữa, trong đó 4 con đang chuẩn bị sinh sản, 7 con đang cho sữa.
Anh Sinh cho biết: “Mỗi ngày gia đình tôi thu được hơn 80 kg sữa, các cơ sở đến thu mua tại chuồng. Sau khi trừ hết chi phí, chúng tôi vẫn lãi được 500 nghìn đồng/ngày. Nuôi bò sữa cũng không tốn nhiều công sức, như đàn bò 11 con này, chỉ cần mình tôi là đủ. Buổi sáng và chiều thì vắt sữa, cỏ thì chỉ cần cắt buổi sáng là đủ cho chúng ăn cả ngày. Trưa cho chúng ăn cám và dọn chuồng”.
Anh còn chia sẻ thêm: “Kể từ khi chuyển đổi nuôi bò sữa gia đình tôi có thu nhập ổn định, đời sống được nâng lên rõ rệt. Các con tôi chỉ cần chuyên tâm vào học tập chứ không phải phụ giúp tôi làm lúa, vất vả như trước nữa.
Với thu nhập bình quân mỗi năm lên đến 150 triệu đồng, gia đình tôi quyết định mở rộng thêm chuồng để tiến hành nuôi thêm từ 3 - 5 con nữa. Đồng thời chuyển đổi thêm diện tích SX lúa kém hiệu quả để chuyên tâm phát triển nuôi bò sữa. Chỉ cần giá thức ăn đầu vào như cám, xác mì cũng như giá sữa ổn định, thì nuôi bò sữa làm giàu không khó”.
“So với việc các loại gia súc khác thì bò sữa khó nuôi, đòi hỏi kỹ thuật cao. Nhưng nếu người nông dân thực hiện đúng theo kỹ thuật thì tỉ lệ thành công trên 90%. Chúng tôi đang tổ chức các lớp tập huấn đồng thời cử cán bộ xuống tận địa phương để hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho bà con”, ông Lê Công Thuận, Phòng NN-PTNT huyện Đức Hòa.
Theo Báo An Giang Online