Nuôi cá bống tượng ở Mỹ Thắng (Bình Định): Từ ao trong vườn vươn ra đầm rộng
- Thứ ba - 29/09/2015 20:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ông Huỳnh Văn Trung (ở thôn 7 Bắc - xã Mỹ Thắng) là người đầu tiên đào ao nuôi cá bống tượng trong vườn nhà và nuôi bằng lồng trên đầm Trà Ổ thu nhập ngày càng tăng, góp phần nhân rộng phong trào nuôi cá bống tượng ở Mỹ Thắng. Bắt đầu từ năm 2006, ông Trung vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ học cách nuôi cá bống tượng, mua cá giống về nuôi. Đến nay, ngoài 3 ao trong vườn nhà (300 m2/ao), ông còn thả nuôi 3 lồng trên đầm Trà Ổ (80 m2/lồng).
Kiểm tra sự sinh trưởng, phát triển của cá bống tượng nuôi lồng trên đầm Trà Ổ.
Ông Trung cho biết: Nuôi cá bống tượng bằng lồng trên đầm khỏi phải thay nước, môi trường nước không bị ô nhiễm, tỉ lệ cá giống hao hụt thấp, cá tăng trọng nhanh, hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi trong ao. Nhiều năm qua, từ nuôi cá bống tượng và nuôi xen một số loại cá khác, bình quân ông thu lãi 70 - 80 triệu đồng/năm. Ông cũng vừa đầu tư trên 70 triệu đồng để mở rộng diện tích nuôi cá bống tượng trên đầm Trà Ổ.
Từ mô hình nuôi cá bống tượng của ông Trung, 3 - 4 năm trở lại đây, nhiều hộ ở ven đầm Trà Ổ thuộc thôn 11 xã Mỹ Thắng đã đào đắp ao hồ trên những diện tích trồng lúa, trồng cói không hiệu quả và những diện tích mặt nước sát mé đầm để nuôi cá bống tượng.
“Năm 2012, tôi nuôi thử nghiệm vụ đầu tiên trong 2 lồng (30 m2/lồng), ở độ sâu 1,5 m, thả 700 con giống bống tượng (mua gom cá giống tự nhiên bắt từ các đập, hồ...), dùng cá tươi đánh bắt trên đầm Trà Ổ cho cá ăn. Sau một năm thu hoạch, với giá bán bình quân 350 nghìn đồng/kg (loại 2 con/kg), tổng thu 70 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 40 triệu đồng” - anh Trương Thanh Hải, ở thôn 11, chia sẻ. Chưa kể, anh còn nuôi xen cá chua, cho thu nhập khá cao. Anh Hải cho biết, nuôi kết hợp cá bống tượng và một số loại cá khác rất tiện lợi trong khâu quản lý, bảo vệ, giúp tăng thu nhập trên cùng một diện tích. Năm 2014, từ nuôi cá bống tượng, anh Hải lãi ròng hơn 70 triệu đồng.
Ông Phan Văn Tân, Trưởng thôn 11, bộc bạch: “Nuôi cá bống tượng khai thác tốt diện tích mặt nước ven đầm Trà Ổ, tận dụng phần lớn thức ăn đánh bắt tại chỗ để nuôi cá, vừa tạo công ăn việc làm, vừa tăng thu nhập cho người dân ven đầm ở Mỹ Thắng, trong đó có nhiều hộ thuộc thôn 11. Phong trào đang phát triển, một số hộ cũng đang chuẩn bị đào ao ven đầm để nuôi cá bống tượng”.
Nuôi cá bống tượng ở Mỹ Thắng đem lại hiệu quả kinh tế khá, song còn ở mức tự phát, cần phải tính toán về con giống, thị trường đầu ra... Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, ông Nguyễn Văn Triệu, băn khoăn: Nếu nhiều người cùng nuôi thì nguồn cá giống sẽ khó đáp ứng được. Mặt khác, khi sản lượng cá ngày càng tăng liệu đầu ra có còn ổn định? Rồi về quy trình kỹ thuật nuôi, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho cá còn hạn chế... Đây là những vấn đề mà người nuôi cá bống tượng ở địa phương quan tâm. Mong ngành chức năng của tỉnh, huyện hỗ trợ, giúp việc nuôi cá bống tượng ở Mỹ Thắng đạt hiệu quả kinh tế cao và bền vững hơn.