Nuôi cá chẽm - Mô hình mới ở Hậu Giang
- Thứ hai - 22/07/2013 21:06
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Ở Hậu Giang, cá chẽm là một trong những đối tượng nuôi còn khá xa lạ với người dân. Vì vậy, đề tài đã giúp bà con nông dân tiếp cận với đối tượng nuôi mới, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Trong quá trình thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã tiến hành nuôi cá chẽm trong ruộng, ao và lồng trên sông để so sánh hiệu quả kinh tế mang lại. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn tập huấn kỹ thuật và hướng dẫn các hộ tẩy dọn ao nuôi, xử lý nước, thời gian thay nước, chọn con giống, cách chăm sóc, sử dụng hóa chất, cung cấp chất dinh dưỡng… nhằm giúp mọi người thu được hiệu quả cao nhất trong quá trình thả nuôi. Sau 8 tháng chăm sóc, mô hình nuôi cá chẽm trong ruộng lúa và nuôi trong ao cho kết quả khá khả quan về tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và năng suất của cá. Vì vậy, có thể từng bước nhân rộng mô hình này. Còn nuôi cá chẽm trong lồng, do nhiều trở ngại về môi trường nước, nên ảnh hưởng đến sự phát triển của cá, do đó khó có thể phát triển. Vì cá chẽm rất dễ bỏ ăn nếu môi trường nước có sự thay đổi đột ngột. Muốn cá chẽm phát triển tốt, tránh bị hao hụt thì phải giữ cho môi trường nước ổn định, hạn chế tình trạng biến động. Có như vậy, người nuôi mới thu được lợi nhuận cao trong quá trình thả nuôi cá.
Ao nuôi cá chẽm của gia đình ông Sang.
Được Ban chủ nhiệm đề tài hỗ trợ cá giống và một phần thức ăn, nên năm vừa qua, gia đình ông Võ Văn Sang, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh đã tiến hành nuôi cá chẽm trong ao với diện tích 600m2 mặt nước. Ông Sang cho biết: “Cá chẽm rất háu ăn và ít bị bệnh. Vì vậy, chúng phát triển nhanh, chất lượng đồng đều. Đặc biệt, thịt cá thơm ngon nên thị trường ưa chuộng, nhờ đó bán được giá cao”. Tuy nhiên, do điều kiện đất đai ở địa phương là vùng đất phèn. Mỗi khi mưa xuống thì tình trạng ao cá bị xì phèn lại xảy ra, ảnh hưởng đến sự phát triển và năng suất của cá. Vì vậy, ông Sang dự định sau đợt nuôi này, ông sẽ cải tạo lại ao để tiếp tục thả nuôi cá chẽm, hy vọng có thể phát triển kinh tế nhờ loại thủy sản này. Được biết, ông Sang là hộ dân đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình nuôi cá chẽm trong ao. Trong quá trình thả nuôi cá, ông Sang đã sử dụng thức ăn công nghiệp cho cá ăn, nhờ đó cá tăng trọng nhanh. Cũng theo ông Sang, cá chẽm là loại cá có tính dữ, vì thế không nên nuôi chung với các loài cá khác, để tránh hao hụt, gây thiệt hại đến đời sống kinh tế của gia đình.
Ông Lê Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND xã Hỏa Tiến cho rằng, việc triển khai thực hiện đề tài “Nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi cá chẽm trong ruộng, ao và lồng ở vùng nước lợ và ngọt tỉnh Hậu Giang” đã giúp người dân địa phương làm quen và tiếp cận với đối tượng nuôi mới. Đây được xem là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, do đó cần được nhân rộng để góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân. Tuy nhiên, cá chẽm là loại cá ít chịu biến động của môi trường nước. Vì vậy, ngành chức năng cần tìm ra cách thức, giải pháp để duy trì môi trường nước ổn định. Có như vậy, cá mới phát triển tốt, đạt năng suất cao. Từ đó, người dân mới mạnh dạn tham gia và mô hình sẽ ngày càng phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội nghị nghiệm thu đề tài, PGS.TS Nguyễn Văn Kiểm, Trường Đại học Tây Đô cho rằng, nội dung và phương pháp nghiên cứu mà nhóm tác giả sử dụng để thực hiện đề tài không mới nhưng kết quả mang lại có tính thuyết phục cao. Đề tài đã mở ra một mô hình nuôi thủy sản mới ở Hậu Giang, không chỉ tăng thêm thu nhập trên cùng diện tích mặt nước, mà còn đa dạng hóa đối tượng nuôi cho người dân địa phương. Với kết quả thu được của đề tài sẽ làm cơ sở khoa học cho những nghiên cứu về sau, góp phần hiệu quả kinh tế cao hơn cho người nuôi thủy sản nói chung và cá chẽm nói riêng.