Nuôi cá thâm canh siêu lợi nhuận

Nuôi cá thâm canh siêu lợi nhuận
Nuôi trồng thuỷ sản an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) là hướng đi đúng đắn, bền vững của huyện Ba Vì (Hà Nội) nhằm đưa con cá của địa phương vào các siêu thị, nhà hàng.

Lãi 100 triệu đ/ha

Với diện tích mặt nước rộng, nguồn nước sạch dồi dào, Ba Vì có tiềm năng lớn để phát triển nuôi trồng thuỷ sản. Tuy nhiên, những năm trước đây đa số nông dân áp dụng hình thức nuôi quảng canh, quảng canh cải tiến hoặc bán thâm canh với những giống cá truyền thống như mè, trôi, trắm, chép nên năng suất thấp.

Bên cạnh đó, kỹ thuật nuôi của các hộ dân còn thấp, thường nuôi theo kinh nghiệm nên tiềm năng phát triển lớn nhưng sản lượng trên toàn vùng vẫn chưa cao do dịch bệnh bùng phát thường xuyên, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi cá.

Trước thực trạng đó, việc tìm ra những hình thức, phương pháp NTTS mới, hiệu quả là yêu cầu bắt buộc nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, giúp bà con làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Sau khi khảo sát các xã trên địa bàn huyện, Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội nhận thấy xã Phú Đông có con kênh lấy nước từ sông Đà chảy qua nên nguồn nước sạch và chủ động, diện tích mặt nước lớn, rất phù hợp để phát triển mô hình nuôi cá thâm canh.

Trung tâm chọn 10 hộ tiêu biểu với tổng diện tích khoảng 10 ha để thực nghiệm mô hình. Nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật cho chủ hộ và các hộ khác trên địa bàn xã, trong những năm qua, Trung tâm tổ chức tập huấn về kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản cho các hộ dân tham gia.

Ông Chu Văn Hồng, Chủ nhiệm HTX Thuỷ sản Đồng Tâm (xã Phú Đông) là một trong những người đầu tiên tham ra mô hình nuôi cá mới trên diện tích mặt nước rộng 2 ha. Năm 2010, sau những chuyến đi tìm hiểu về nghề cá tại các tỉnh ĐBSCL do Sở NN-PTNT tổ chức, ông đã bắt tay vào việc áp dụng mô hình NTTS tập trung và thâm canh đảm bảo ATVSTP.

Theo ông Hồng, để áp dụng thành công mô hình này đòi hỏi phải có điều kiện cơ sở vật chất và kỹ thuật hiện đại. Diện tích ao, hồ thả cá phải rộng, xa khu dân cư để hạn chế tối đa ảnh hưởng của rác thải sinh hoạt và chăn nuôi, bờ vở thông thoáng (không có cây cối), nguồn nước sạch và có máy quạt nước để tạo ôxi...

Để có nguồn cá giống chất lượng tối ưu, ông đã tìm đến Viện Nghiên cứu NTTS 1 để đặt hàng giống cá rô phi đơn tính và một số loài cá khác như mè, trắm, chép về thả với mật độ trung bình 2,5 con/m2.


Ông Chu Văn Đông vui mừng vì cá trong hồ phát triển tốt

Sau 6 tháng chăm sóc, kết quả khiến ông Hồng vô cùng bất ngờ. Trọng lượng cá rô phi đơn tính đạt trung bình 0,8 kg; chép 1,5 kg; trắm 3,0 kg và mè 3,5 kg. Năng suất đạt 12 tấn/ha, lãi khoảng 100 triệu đồng.

Được tận mắt chứng kiến hiệu quả kinh tế từ hồ nuôi cá của ông Hồng, nhiều hộ dân trong xã đã đầu tư cải tạo lại ao, hồ để phát triển mô hình nuôi cá thâm canh theo hướng ATVSTP.

Theo kinh nghiệm của các hộ nuôi cá, vào những tháng thời tiết nắng, ấm thì cá phát triển bình thường (6 tháng có thể cho thu hoạch). Tuy nhiên, vào mùa đông, cá phát triển chậm hơn, nếu không thâm canh khéo thì không thể thu hoạch 2 vụ 1 năm.

Để làm được điều này, cần phải có ao gối cá giống, bên cạnh đó cần theo dõi thời tiết thường xuyên để thiết kế chế độ ăn uống cho cá phù hợp.

“Mỗi ngày, tôi cho cá ăn trung bình 16 bao cám, chia làm 4 bữa, nhưng buổi sáng cho ăn nhiều hơn. Đến buổi chiều, nếu quan sát thấy trời lặng gió, khí hậu oi bức thì cho ăn ít hơn, thậm chí không cho ăn. Bởi nếu ăn quá no kết hợp với thời tiết bất lợi thì nó sẽ “trả thù” ông chủ ngay”, ông Hồng nói.

Tỷ lệ cơ cấu giống được nhiều hộ nuôi cá thâm canh của HTX Thuỷ sản Đồng Tâm áp dụng là 80% rô phi đơn tính. Còn lại là các loại cá khác như mè, trắm, chép chiếm khoảng 20%.

Hiện nay, mật độ thả nuôi cá của đa số các hộ chỉ dao động từ 1,5 - 1,7 con/m2. Tuy nhiên, trên thực tế, mật độ thả nuôi có thể lên tới 3 con/m2 nếu đầu tư thêm các thiết bị kỹ thuật hiện đại vào SX như quạt máy nước để tạo nguồn ôxi cho cá.

Ông Nguyễn Đình Quý, 50 tuổi ở xóm Sỏi, thôn Phú Nghĩa, xã Phú Đông chia sẻ: “Nhà tôi có 1,3 ha mặt nước. Trước đây, tôi cũng đã nuôi cá thâm canh nhưng kết hợp với chăn nuôi lợn bên trên nên môi trường nước không được đảm bảo, cá mắc dịch nhiều. Năng suất tối đa chỉ đạt 7 tấn/ha.

Từ khi chuyển sang nuôi mô hình nuôi trồng thuỷ sản ATVSTP, tỷ lệ cá mắc bệnh cực thấp (thường là bệnh xuất huyết) do cải tạo môi trường sạch và lựa chọn những loại cám đạt tiêu chuẩn”.

Cá sạch đảm bảo ATVSTP

Nhằm phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả nghề cá của địa phương, ngày 25/4/2013, Trung tâm Giống thủy sản Hà Nội đã phối hợp với UBND xã Phú Đông triển khai xây dựng vùng NTTS ATVSTP trên địa bàn đồng Chằm, thôn Phú Nghĩa với 10 hộ tham gia, trên diện tích 10 ha. HTX Đồng Tâm cũng đang hoàn thành các thủ tục để tiến tới xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cá sạch đảm bảo ATVSTP.

Ông Hồng cho biết: Hiện nay, rất nhiều hộ dân muốn tham gia mô hình này. Chúng tôi đã đề nghị Sở NN-PTNT Hà Nội được mở rộng diện tích NTTS ATVSTP của địa phương lên 30 ha, tuy nhiên cần phải có lộ trình cụ thể, tránh phát triển ồ ạt. Nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải làm ra sản phẩm cá đạt chất lượng tốt, năng suất cao và bán được giá, chứ không phải chạy theo số lượng.

HTX Thuỷ sản Đồng Tâm đã ký kết hợp đồng mua bán với Cty TĂCN Master (chi nhánh ở Hưng Yên) để có nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng tốt cho cá. HTX cũng hợp tác với Cty CP Thuốc thú y TW I để có chuyên gia thú y thường xuyên theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh và tư vấn cách phòng, trị bệnh cho các hộ nuôi.

Sản phẩm cá của địa phương phải có đầy đủ thủ tục, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ giống, thức ăn và chứng nhận cá sạch VSATTP trước khi cung cấp cho thị trường.

Ông Phạm Văn Điện, một người nuôi cá thâm canh, tâm sự: “Tôi và rất nhiều hộ dân khác ở địa phương rất muốn mở rộng diện tích nuôi cá thâm canh ATVSTP để nâng cao thu nhập. Nhưng, việc đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phải tốn từ 300 - 500 triệu đ/ha. Mong rằng Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ về vốn để phát triển nghề cá.

Nguồn: nongnghiep.vn