Nuôi chim bồ câu ta: Chi phí thấp, thu nhập cao
- Thứ ba - 16/07/2013 03:46
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước đây, người dân nuôi chim bồ câu ta chủ yếu cho vui cửa, vui nhà. Thế nhưng, thời gian gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ chim bồ câu, nhiều gia đình ở Lộc Bình quyết định chăn nuôi với quy mô lớn, bước đầu gặt hái được kết quả khả quan. Gia đình chị Hoàng Thị Yên ở thôn Pắc Mạ (xã Yên Khoái) là một trong những hộ có thu nhập ổn định từ mô hình nuôi chim bồ câu ta. Trao đổi với chúng tôi, chị Yên cho biết: “Trước đây, gia đình cũng nuôi 3 đôi chim bồ câu nhưng chỉ để làm cảnh, không nghĩ đến chuyện nuôi làm kinh tế. Gần đây, tôi thấy nhiều báo, đài, phương tiện truyền thông đưa tin các ngành chức năng bắt nhiều vụ nhập lậu chim bồ câu, tôi thầm nghĩ sao mình không nuôi chim để kinh doanh? Nghĩ là làm, tôi mua thêm 5 đôi nữa về nuôi và bắt tay xây dựng chuồng trại, tìm hiểu về cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh cho bồ câu”.
Vì vốn ít nên chị Yên thực hiện phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học hỏi, rút kinh nghiệm. Chim bồ câu được chị thả đi kiếm ăn tự do, thi thoảng cho ăn thêm thóc, ngô nên không tốn thức ăn như các loài vật nuôi khác. Chuồng nuôi được chị tận dụng từ những chiếc thùng các-tông, tấm ván thừa. Đến nay, số lượng chim bồ câu của gia đình chị tăng lên đáng kể với hơn 50 đôi chim bố mẹ, 20 đôi chim con, 15 đôi đang ấp trứng. Chim bồ câu thường đẻ 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng. Thời gian ấp trứng 15 ngày và nuôi đến 1 tháng là có thể xuất bán. Thức ăn cho chim chỉ là thóc, ngô nên được bà con và thương lái ưa chuộng vì thịt chắc, thơm ngon. Với giá bán 120.000 đồng/đôi thương phẩm, giá con giống 150.000 - 160.000 đồng/đôi, gia đình chị Yên có thu nhập đáng kể. Có nhiều khách hàng đặt con giống và chim thịt nên chị sản xuất không kịp cung cấp cho thị trường. Một năm trừ chi phí, gia đình chị thu lãi 20 - 25 triệu đồng từ nuôi chim bồ câu. “Nuôi chim bồ câu ta ban đầu tưởng khó nhưng khi nắm được kỹ thuật nuôi và tập tính của chúng thì cũng đơn giản. Đặc biệt là vốn đầu tư cho mô hình thấp, chim bồ câu ít bị dịch bệnh nên ai cũng có thể nuôi được. Tuy nhiên, nuôi con gì cũng cần phải có tâm huyết, không nản chí thì mới thành công”, chị Yên chia sẻ.
Nuôi bồ câu đang dần trở thành nghề được nhiều gia đình ở Lộc Bình làm theo. Cùng tôi đi thăm đàn bồ câu của chị Yên, anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Bản Tẳng (xã Bằng Khánh) cho hay: “Nhà tôi cũng nuôi chim bồ câu từ năm 2011, nay đã có hơn 20 đôi. Theo tôi, đây là nghề mới, góp phần xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bà con nên áp dụng”.
Bồ câu ta không phải là loại vật nuôi mới, tuy nhiên, với ưu điểm dễ nuôi, chi phí thấp và cho thu nhập cao, bền vững, đây sẽ là vật nuôi có nhiều triển vọng. Tin rằng, với những thành công bước đầu, mô hình nuôi chim bồ câu ta sẽ được nông dân Lộc Bình nhân rộng và phát triển, từ đó vươn lên xóa đói giảm nghèo và làm giàu.
Hoàng Văn Hương
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn