Nuôi chim công giàu nhanh

Nuôi chim công giàu nhanh
Bỏ nghề nuôi gia cầm sang nuôi chim công từ năm 2009, đến nay, anh Nguyễn Hữu Khởi, xã Việt Đoàn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh đã giàu lên nhanh chóng và có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Gắn bó với nghề nuôi gia cầm từ rất lâu, nhưng vì đầu ra khó khăn, giá cả bấp bênh nên gia đình anh Nguyễn Hữu Khởi đã rơi vào tình cảnh nhiều năm thua lỗ. Đúng lúc, tình cờ biết được thông tin về mô hình nuôi chim công, dễ nuôi trong khi thị trường khan hiếm, năm 2009 anh đã mạnh dạn chuyển đổi sang mô hình nuôi chim công. Không ngại đường xá xa xôi, anh lặn lội đến Nam Định để mua 10 con chim công mới nở, giống Ấn Độ về nuôi thử. Với kinh nghiệm nuôi gia cầm sẵn có cùng những kiến thức học hỏi từ sách báo, internet nên anh Khởi không gặp nhiều khó khăn trong quá trình nuôi. Chỉ với 10 con giống ban đầu, anh đã liên tục tăng đàn. Đến nay đàn công đã lên tới hàng trăm con.

Mặc dù là loài chim quý nhưng chim công rất dễ nuôi và thuần dưỡng. Chim công có sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao, trong quá trình nuôi, chim chỉ mắc một số bệnh tương tự gia cầm. Cùng đó, thức ăn cho chim chủ yếu là ngô, thóc, rau, cỏ rất dễ kiếm. Riêng chim non, có chế độ ăn khác chim trưởng thành, chim non mới nở thức ăn là 100% cám gà tổng hợp. Sau 30 ngày tuổi, cho ăn 70% cám tổng hợp, 30% ngô hoặc thóc nghiền. Chim công 6 - 8 tháng tuổi có thể nuôi nhốt ngoài chuồng lớn cùng các cá thể khác thì tỷ lệ cám tổng hợp chỉ còn 50% và lúc này nên cho công ăn bổ sung các loại rau xanh thái nhỏ như rau ngót, cải…

Đàn chim công hàng trăm con của gia đình anh Khởi - chăn nuôi

Đàn chim công hàng trăm con của gia đình anh Khởi

 

Để nuôi chim công hiệu quả, nên nuôi tập trung trong chuồng trại. Chuồng công được làm khá đơn giản, ít chi phí, chỉ cần đảm bảo sạch, khô ráo, thông thoáng vào mùa hè, ấm áp vào mùa đông. Tùy số lượng chim công nuôi dưỡng thực tế, độ rộng hẹp của chuồng công có thể khác nhau. Trong quá trình nuôi cần chú ý vệ sinh chuồng trại, đảm bảo khô thoáng để phòng tránh bệnh cho chim công. Dùng cát vàng rải nền chuồng để hút ẩm giúp công không bị bẩn và phòng ngừa giun, sán. Nếu có điều kiện, có thể thiết kế thêm phần sân phía trước để công có chỗ tắm nắng, vận động.

Thức ăn của chim khi trưởng thành chủ yếu là ngô, thóc, rau cỏ rất dễ kiếm. Tính ra chi phí thức ăn thấp hơn so với nuôi gà. Trong khi, chim công là loài chim rất đẹp, được nhiều người mua để làm cảnh. Trung bình mỗi năm, anh Khởi xuất bán cho khách du lịch và người nuôi hàng trăm cặp công giống, với giá 2 - 3 triệu đồng/cặp, cùng hàng chục công bố mẹ giá 10 - 20 triệu đồng/con. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình anh lãi vài trăm triệu đồng. Trước nhu cầu của thị trường, dự tính đầu 2017, gia đình anh Khởi sẽ mở rộng quy mô chuồng trại 1.000 con công và mở nhà hàng cung cấp sản phẩm và chế biến chim công để phục vụ thực khách.

Nguồn: nguoichannuoi.vn