Nuôi loài cá đặc sản trơn nhớt đuôi dài, bán 150-160.000 đồng/kg
- Thứ hai - 19/08/2019 09:42
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đến nay, sau 3 tháng thả nuôi, cá leo trong hồ nuôi của gia đình anh Tuấn phát triển ổn định, đồng đều, đạt trọng lượng bình quân 0,4-0,5 kg/ con. Hiệu quả của mô hình đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho các địa phương trong quá trình chuyển đổi sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân.
Tại hộ gia đình anh Tuấn, mô hình nuôi cá leo thương phẩm được triển khai thực hiện trên diện tích 2.000 m2 với 4.000 con cá giống, kinh phí đầu tư trên 40 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến nông tỉnh hỗ trợ ban đầu cho gia đình anh Tuấn 50%.
Ngoài hỗ trợ về giống, trước đó anh Tuấn còn được Trung tâm Khuyến nông tỉnh tập huấn, chuyển giao kiến thức khoa học kĩ thuật giúp anh nắm rõ đặc tính, kĩ thuật để thả nuôi, chăm sóc cá leo thương phẩm theo đúng quy trình, đạt hiệu quả…
Kiểm tra sinh trưởng của cá leo bên hồ nuôi cá leo của gia đình anh Nguyễn Duy Tuấn.
Anh Tuấn cho biết, trong quá trình nuôi cá leo, để tạo thêm nguồn thức ăn cho cá, cùng với thức ăn chính của cá theo quy định, anh còn mua thêm cá biển về xay nhuyễn trộn cùng bột ngô, bột vỏ lạc mịn cho cá ăn. Loại thức ăn này kích thích cá ăn nhiều hơn, cung cấp thêm dưỡng chất giúp cá sinh trưởng nhanh. Mặt khác có thể tận dụng nguồn nguyên liệu giá rẻ, có sẵn làm thức ăn cho cá, giảm đáng kể chi phí trong quá trình nuôi.
Theo đánh giá của anh Tuấn, tuy lần đầu tiên gia đình anh nuôi thử nghiệm nhưng giống cá leo này tỏ ra thích nghi tốt với điều kiện sinh thái, nguồn nước tại địa phương. Cá leo khá dễ nuôi, ít mất công chăm sóc, thời gian tăng trưởng ngắn, chỉ sau 3-5 tháng thả nuôi đã có thể xuất bán ra thị trường.
Như vậy trong 1 năm có thể thả nuôi nhiều lứa cá leo, giá trị kinh tế cao hơn hẳn các loại thủy sản trước đó gia đình từng nuôi. “Thêm một điểm cộng cho loại cá nước ngọt này là khả năng thích ứng tốt với sự biến đổi môi trường. Thời gian qua dù diễn ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt kéo dài hay mưa lớn đột ngột song hầu hết cá phát triển ổn định, không có hiện tượng dịch bệnh xảy ra trên cá”, anh Tuấn cho biết thêm.
Sau 3 tháng thả nuôi, hiện cá leo thương phẩm của gia đình anh Tuấn đạt tỉ lệ sống cao, đồng đều về trọng lượng, bình quân 0,4 - 0,5 kg/con. Dự kiến trong hơn 1 tháng nữa, khi cá đạt kích cỡ trung bình 1 kg/ con, gia đình anh sẽ bắt đầu thu hoạch. Cá leo là loại cá nước ngọt, thịt thơm ngon, nhiều chất dinh dưỡng nên rất được thị trường ưa chuộng.
Giá thu mua cá leo thương phẩm dao động từ 100.000-120.000 đồng/ kg, có thể đạt từ 150.000-160.000 đồng/ kg vào mùa cao điểm. Như vậy sau 3-5 tháng thả nuôi, với số lượng 4.000 con, chỉ tính cá đạt trọng lượng 1kg/con và mức giá 100.000 đồng/kg, ước tính mô hình cá leo thương phẩm tại gia đình anh Tuấn cho doanh thu trên 400 triệu đồng.
Ông Thân Trọng Dũng, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn kiến nghị: “Khi một số đối tượng nuôi truyền thống thường xuyên bị các loại dịch bệnh gây ảnh hưởng, việc áp dụng mô hình nuôi cá leo thương phẩm đã mở ra hướng đi mới đầy triển vọng đối với địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế về nuôi trồng thủy, hải sản như xã Vĩnh Sơn...".
"Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của UBND huyện Vĩnh Linh, các sở, ban, ngành cấp tỉnh cùng với các chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng mô hình, đa dạng hóa các loại con nuôi nhằm khuyến khích, động viên người dân đưa thêm các đối tượng nuôi mới vào sản xuất, nhân rộng. Từ đó góp phần chuyển đổi sinh kế, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân”, ông Thân Trọng Dũng. |