Nuôi lợn sạch, lợi ích kép
- Thứ năm - 26/03/2015 21:30
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nguyên liệu chủ yếu để tạo ĐLSH là men sinh Balaxa khung 1 mua từ Học viện Nông nghiệp VN và mùn cưa, bột ngô. Từ chuồng nuôi truyền thống, ông Tuấn chỉ để lại 1/3 diện tích nền cứng làm nơi lợn ăn, uống nước. Diện tích còn lại được hạ độ cao và lót đệm dày 60 cm.
Với hệ thống này, toàn bộ chất thải từ lợn sẽ thẩm thấu và được men Balaxa khung 1 có trong ĐLSH sẽ phân hủy. Ông Tuấn cho rằng, nuôi lợn sử dụng ĐLSH giúp giảm nhân công vệ sinh chuồng trại, giảm 90% lượng nước tưới chuồng.
Do ĐLSH có khả năng sinh nhiệt nên người chăn nuôi không mất chi phí thắp điện sưởi ấm cho lợn trong mùa đông. Tuy vậy, lợn có tập quán thải phân tập trung nên mỗi sáng sớm phải đảo chuồng, phân tán lượng phân đều khắp chuồng để phân được phân hủy nhanh nhất; không để nước từ máng ăn, vòi nước chảy xuống ĐLSH.
Theo ông Tuấn, việc làm này rất đơn giản và không mất nhiều thời gian nhưng nếu người chăn nuôi không duy trì đều đặn thì men Balaxa khung 1 sẽ chết dần, chuồng sẽ bốc mùi thối.
Bên cạnh đó, mật độ lợn trong chuồng nuôi phải phù hợp (khoảng 1 con/1,5 m2) để đảm bảo không thừa, không thiếu chất thải cho vi khuẩn men sống và hoạt động. Đây chính là những yếu tố quyết định sự thành bại của mô hình.
ĐLSH được sử dụng đúng kỹ thuật sau 1,5 năm sẽ phải thay mới, đem bón cho các loại cây trồng đều rất tốt. Chính vì vậy, lần đầu thải loại, ông Tuấn đã bán cho người dân và thu về trên 20 triệu đồng. Thu bù chi nên thực tế người chăn nuôi không mất chi phí đầu tư làm ĐLSH.
Hiện nay, trang trại của ông Tuấn nuôi 150 con lợn nái sử dụng bể khí biogas giải quyết vấn đề năng lượng cho trại lợn và làm thức ăn cho 2 ha ao cá. Trang trại thường xuyên có 800 - 1.000 con lợn thịt sử dụng ĐLSH.
Được biết, với việc tạo ra môi trường chăn nuôi sạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi khép kín, trang trại của ông Đặng Anh Tuấn đã được cấp giấy chứng nhận ATVSTP. |
Thay vì xuất hàng theo từng lứa lợn, hiện nay, ông Tuấn nhận cung cấp cho lái buôn trong huyện với số lượng cố định 10 con/ngày. Ông Tuấn tự nhân giống và mỗi năm xuất từ 50 - 100 lợn nái hậu bị; 300 tấn lợn thịt, lãi ròng hàng năm từ 1 - 1,5 tỷ đồng.
Nhận thấy việc sử dụng ĐLSH trong chăn nuôi mang lại nhiều lợi ích, đầu năm 2014, ông Nguyễn Đình Hải, chủ một gia trại tại xóm 4 xã Văn Sơn cũng áp dụng mô hình.
Ông Hải xây dựng 80 m2 chuồng trại ngay trong vườn nhà. “Lúc đầu, các hộ xung quanh kịch liệt phản đối, một vài lá đơn đã được gửi lên xóm, xã. Tôi phải viết giấy cam đoan, nếu để xẩy ra ô nhiễm môi trường sẽ lập tức tháo dỡ trang trại nên mới được xây dựng. Thật may là mô hình có nhiều ưu việt, khử mùi đến trên 90%.
Chăn nuôi sử dụng ĐLSH rất phù hợp với mô hình gia trại trong các địa bàn dân cư hoặc các trang trại vừa và nhỏ, chi phí đầu tư thấp, khoảng 300.000 đ/m2, ít hơn rất nhiều so với xây dựng bể khí biogas nhưng hiệu quả khử mùi rất cao.
Năm 2014, tôi xuất chuồng 12 lứa lợn (24 tấn), lãi ròng trên 200 triệu đồng. Hiện nay, tôi đang tìm mặt bằng để mở rộng quy mô trang trại”, ông Hải cho biết.
Cũng theo ông Hải, nuôi lợn sử dụng ĐLSH chỉ có 1 nhược điểm duy nhất là mẫu mã lợn không bắt mắt, lợn không được tắm táp nên da, lông không được bóng mượt. Vì điều này, người chăn nuôi sử dụng ĐLSH cần lấy chất lượng làm tiêu chí hàng đầu bù lại vấn đề ngoại hình.
Ông Hải chia sẻ: “Thông thường, một con lợn ăn hết 175 - 200 kg thức ăn trong suốt thời gian từ khi sinh ra đến lúc xuất chuồng. Nếu sử dụng hoocmon tăng trưởng thì thời gian sinh trưởng được rút ngắn còn 4 - 4,5 tháng, lượng thức ăn không thay đổi nhưng thịt không ngon.
Hiện tại, chúng tôi không sử dụng hoocmon tăng trưởng, thời gian nuôi kéo dài 5 - 5,5 tháng, da, lông không bóng mượt nhưng thịt thơm ngon nên được lái buôn ưa chuộng đặt hàng. Trong khi một số trang trại bí đầu ra thì chúng tôi vẫn ung dung, giá bán bao giờ cũng cao hơn các trang trại khác trong vùng 3 - 4 giá”.
Theo NNVN