Nuôi lươn không bùn ở Tuy Phong (Bình Thuận): Dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao

Nuôi lươn không bùn ở Tuy Phong (Bình Thuận): Dễ nuôi, hiệu quả kinh tế cao
Nuôi lươn không bùn bể xi măng, vỉ tre là cách làm mới, hiệu quả cao. Cách nuôi này không gây ô nhiễm môi trường, giảm công chăm sóc, tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa, dễ kiểm tra đàn lươn, lươn phát triển nhanh ít hao hụt… Đó là những ưu điểm của mô hình thí điểm nuôi lươn không bùn tại gia đình anh Trần Việt Sơn ở thôn 3, xã Phong Phú, Tuy Phong.

Hiệu quả

Với mục tiêu đưa đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao vào thử nghiệm nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi, đồng thời phát triển nuôi thủy sản cho các hộ gia đình không có đất, diện tích ao nuôi. Tháng 8/2015, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Tuy Phong đã triển khai thí điểm mô hình nuôi lươn không bùn tại hộ anh Trần Việt Sơn. Lươn là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao và được thị trường tiêu thụ tương đối ổn định. Thức ăn cho lươn chủ yếu là cá tạp tươi xay nhuyễn, có thể trộn chung với thức ăn công nghiệp hoặc sử dụng hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Thực hiện mô hình, trạm hỗ trợ 100% con giống, 50% thức ăn và kỹ thuật nuôi. Với bể xi măng có diện tích 15 m2, anh Sơn nuôi 900 con, mật độ thả 60 con/m2. Trong bể ngoài hệ thống đường ống tiêu, thoát nước, ở giữa bể được đặt các vỉ tre chồng lên nhau làm chỗ cho lươn bám vào. Sau 4 tháng nuôi, hiện lươn phát triển bình thường, kích cỡ trung bình đạt 300 g/con, tỷ lệ sống 90%, sản lượng 193,4 kg. Anh Sơn cho biết: “Lươn ăn mồi mạnh, phát triển tốt, hiện nay lượng mồi cho ăn khoảng 5 kg/ngày. Nếu đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật trong suốt quá trình nuôi từ khâu vệ sinh bể nuôi đến chăm sóc và cho ăn, lươn sẽ tăng trưởng nhanh, tỷ lệ sống khá. Giá bán thị trường hiện nay dao động từ 120.000 - 140.000 đồng/kg”.

 

Triển vọng

Hội Nông dân xã Phong Phú cho biết, đã có nhiều người đến tham quan, tìm hiểu mô hình nuôi lươn không bùn tại gia đình anh Sơn. Hiện nay nuôi lươn được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng với rất nhiều mô hình đa dạng. Từ đặc tính của từng phương pháp kết hợp kinh nghiệm nuôi lươn trên vỉ tre, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư Tuy Phong đánh giá đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế, dễ nuôi. Về kinh nghiệm nuôi lươn, anh Sơn cho biết: “Khi thực hiện mô hình nuôi lươn trên vỉ tre có thể tận dụng bể chứa nước, chuồng heo sau khi sửa chữa lại để nuôi lươn. Nếu xây bể mới thì nên xây nửa chìm, nửa nổi với chiều cao khoảng 1m với diện tích 6 - 10 m2, cần nắm vững nguyên tắc để đề phòng không cho lươn bò đi, cấp thoát nước thuận tiện. Bể có dạng hình chữ nhật chiều rộng từ 2 - 4 m dễ dàng chăm sóc. Tốt nhất nên chia bể thành 3 ngăn, ngăn cho lươn sống lớn nhất, ngăn thứ hai nhỏ hơn để phân loại lươn và cho ăn và ngăn thứ 3 thu hoạch. Đặt các vỉ tre khoảng cách 3 cm, hoặc có thể dùng các loại cây tràm đặt 1 hàng ngang, hàng dọc chồng lên nhau để lươn cuộn vào. Về quy trình nuôi cần lưu ý, người nuôi phải thay nước hàng ngày khi cho lươn ăn, mực nước trong bể không quá 30 - 40 cm, đảm bảo nhiệt độ phù hợp. Muốn lươn phát triển nhanh và đồng đều cần phải định lượng, định vị trí và định thời gian thích hợp. Bên cạnh đó việc quản lý nguồn nước thay vào cũng cần chú ý”.

Thanh Duyên 
Theo Báo Bình Thuận