Nuôi rắn mối, thu trăm triệu ở miền Tây

Nuôi rắn mối, thu trăm triệu ở miền Tây
Từ việc bắt rắn mối đem về nuôi thử, chị Phạm Thị Lệ ở Thới Bình, phường Phước Thới, quận Ô Môn, TP. Cần Thơ thành bà chủ trại rắn có thu nhập lên tới trăm triệu đồng mỗi năm.
 
Chị Phạm Thị Lệ đang chăm sóc rắn mối.
Chị Phạm Thị Lệ đang chăm sóc rắn mối.


Chị Lệ cho biết, cơ duyên đến với mô hình nuôi rắn mối của chị rất tình cờ. Ban đầu, chị bắt rắn mối trong vườn nhà nuôi chơi và khá thích thú khi thấy rắn đẻ con. Sau đó, biết đây là món ăn đặc sản khá hút khách tại các quán nhậu, nhà hàng, chị Lệ mạnh dạn nghĩ đến đầu tư nuôi bài bản.


Khi đã bắt tay vào nuôi, chị Lệ cho hay, mô hình có ưu điểm tốn ít kinh phí. Để làm chuồng, chị chỉ cần xây bốn bức tường làm hàng rào. Xung quanh chuồng được xây tường cao cả thước. Trên cùng các bức tường và lưng chừng các cây cột, chị ốp gạch tráng men tấm lớn, với chiều cao khoảng 4 tấc (40 cm) để rắn không trốn đi. Trong chuồng cần có khoảng trống lấy ánh nắng, nơi cất nhà để trú mưa, nắng. Đặc biệt, thứ không thể thiếu là lá, bập dừa khô cùng gỗ mục để cho rắn mối trú ngụ.


Ngoài ra, người nuôi cũng có thể chuẩn bị máng nước, gạch ống có lỗ để tạo cho rắn có môi trường sống phù hợp. Loài rắn mối còn có ưu điểm là sống dưới lá, thân cây khô và cát khá sạch sẽ, không gây mùi hôi. Do đó, việc nuôi sẽ không khiến cho môi trường bị ảnh hưởng. Gây dựng hơn một năm nay, trại rắn mối của chị Lệ có 6 chuồng lớn, 3 chuồng nhỏ.


Nếu như các loại rắn khác, người nuôi phải cho ăn rất kỳ công, thì việc ăn uống với rắn mối lại đơn giản. Chị Lệ chia sẻ, chỉ cần bỏ thức ăn (thường là cá cơm, tép...) trên chuồng, rắn sẽ tự đến. Sâu superworm (sâu gạo) hoặc dế, là 2 loại đồ ăn sống được rắn mối yêu thích. Bà chủ trại rắn cho biết, tự tay chị nuôi sâu gạo và dế để làm thức ăn cho rắn. Bình quân 1 kg thức ăn có thể đủ cho 1.000 con rắn trong một ngày. Vì vậy, chi phí để nuôi rắn mối khá tiết kiệm.


Rắn mối giống của chị Lệ được bắt từ trong hoang dã. Nuôi từ con nhỏ tới 6 đến 8 tháng thì có thể xuất bán. Lúc này rắn đạt cân nặng trung bình 35 con/kg và 29 - 30 con/kg nếu nuôi khéo. Rắn mối có màu vàng cát hoặc đất xám, tự giao phối khi đến mùa sinh sản. Khi con rắn cái gần đẻ thì người nuôi cần bắt ra riêng để chăm sóc.


Đầu tư không tốn kém chi phí, nhưng việc chăm sóc rắn con khá kỳ công. Theo lời chị Lệ, rắn sẽ được bắt ra thau, cho ăn chế độ đặc biệt với dế con, tép quết nhuyễn trộn nước. Khoảng 3 tuần sau, rắn con hội nhập với bầy đàn bình thường. Riêng rắn mẹ có thể thả lại chuồng ngay sau khi đẻ xong mà không ảnh hưởng.
 

Rắn mối nuôi từ 6 - 8 tháng thì có thể xuất bán.


Mỗi con rắn mối đẻ trung bình khoảng 7 đến 9 con, có khích cỡ những con thằn lằn (thạch sùng) nhỏ. Lúc cao điểm, trại chị có khoảng 22.000 con. Trung bình mỗi ngày chị thu được từ 70 đến 80 rắn mối con. Giá bán có lúc lên đến trên 400.000 đồng/kg. "Bây giờ giá có hạ hơn nhưng cũng khoảng 300.000 đồng/kg, không có đủ để bán", chị hào hứng kể. Bình quân những tháng nuôi nhiều là vài chục ngàn con, chị xuất bán rắn lớn cũng có được thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng.
 

Chị Lệ bộc bạch: “Tôi ham con rắn mối dữ lắm. Khi nuôi chúng, tôi còn trồng một vài cây kiểng xanh ở trong chuồng. Sáng ra, thấy rắn mối đeo đầy cây trông thấy mê, khiến người khỏe khoắn”. Theo chị, rắn mối nuôi ít bị hao hụt, chỉ khoảng 5%. Nếu nuôi kỹ, chăm sóc tốt, tỷ lệ hao hụt giảm xuống khoảng 2%. Rắn mối bị bệnh thường là bại liệt, do ăn thiếu chất dinh dưỡng và vitamin. Vì vậy để bổ sung nguồn vitamin cho chúng, chị cho hay chỉ cần pha trong nước để chúng uống là được.
 

Đặc biệt, để rắn mau lớn, chị Lệ cho hay người nuôi cần chú ý một số điểm, trong đó nguồn nước uống, vệ sinh chuồng trại rất quan trong. Kinh nghiệm của chị Lệ là mùa nắng thì 4 đến 4 tháng nên vệ sinh chuồng một lần, mùa mưa thì nên làm thường xuyên hơn, khoảng 1,5 tháng/lần. "Sở dĩ chúng có thể lây bệnh là khi chúng lột da, thân mềm, di chuyển có thể gây lở loét, truyền nhiễm cho nhau", chị nói.
 

Hiện trại rắn của chị Lệ là đầu mối cung cấp sản phẩm cho nhiều nhà hàng, quán nhậu ở một số tỉnh miền Tây. Chị cho hay, những năm gần đây, các món ăn dân dã đã trở thành đặc sản. Từ nhu cầu này, việc nuôi rắn mối giúp nhiều người có được thu nhập, thậm chí có người nuôi khá và giàu lên từ việc nuôi chúng với quy mô lớn.

(Nguồn tin:Zing)