Nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học: Hướng đi đầy triển vọng

Trong khi đại đa số các hộ dân nuôi trồng thuỷ sản điêu đứng vì nắng hạn, tôm chết liên tục, thì 24 hộ dân ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huyện Thới Bình, lại vô cùng hồ hởi vì trúng liền 2 vụ tôm, cua kể từ khi tham gia tổ hợp tác sản xuất nuôi tôm quảng canh cải tiến bằng chế phẩm sinh học.
Thường xuyên kiểm tra tôm trong ao nuôi để có hướng xử lý kịp thời là một trong những yếu tố góp phần thành công của mô hình nuôi tôm bằng chế phẩm sinh học của bà con ấp Kinh 6, xã Tân Bằng, huy

Cùng là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến nhưng với chuyển biến trong ý thức và sự hỗ trợ sát sao của nhân viên kỹ thuật, có những hộ tham gia trong mô hình mang về thu nhập khá cao trong điều kiện thiên tai khốc liệt trên diện rộng như hiện nay.

Những cơn mưa trong những ngày qua khiến niềm vui của ông Huỳnh Văn Dũng nhân lên khi độ mặn trong vuông chỉ còn khoảng 20%o. Ông Dũng hiện là tổ trưởng của 24 hộ dân của ấp Kinh 6 tham gia mô hình. Trước khi tham gia mô hình này, gia đình ông Dũng gặp vô cùng khó khăn do 1,5 ha tôm quảng canh chết liên tục, gần như không có thu hoạch gì trong suốt thời gian dài gần 1 năm.

“Do không sống nổi với con tôm, gia đình đã dự định cho thuê đất để chuyển sang kiếm việc khác làm”, ông Dũng chia sẻ. Tuy nhiên, giờ đã khác, kể từ ngày thả đợt tôm đầu tiên, ngày 17/2/2016 đến nay, 1,5 ha đất của gia đình đã mang về cho ông gần 50 triệu đồng. Ông vui mừng chia sẻ: “Ðây là thu nhập cao nhất kể từ khi bắt đầu nuôi tôm đến thời điểm này, không chỉ tôm cho thu hoạch cao mà cả cua cũng mang về lợi nhuận khá lớn”.

Ðây là mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến bằng men vi sinh trong dự án hợp tác giữa 3 trường đại học của Australia và Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư quốc gia. Dự án được triển khai với hình thức hỗ trợ nông dân không hoàn lại về giống tôm, giống lúa, cũng như kỹ thuật và 70% tiền thức ăn, men vi sinh.

Chia sẻ về dự án, chị Triệu Mỹ Hoà, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã và là người phụ trách mô hình, cho biết, yêu cầu nông dân chỉ đơn giản là ghi chép tất cả thời gian, số lượng sử dụng thức ăn, men vi sinh, kiểm tra các chỉ số nước trong ao nuôi định kỳ hằng tuần và điện báo cho nhân viên kỹ thuật khi thấy tôm có dấu hiệu bất thường, cũng như nước trong ao có biến động.

Tuy số lượng hiện nay còn khá hạn chế, chỉ khoảng 24 hộ dân trên địa bàn xã tham gia với 20 ha, nhưng mô hình hiện nay đã tạo được sự phấn khởi và hướng đi mới cho cách thức tổ chức sản xuất con tôm hiện nay. Theo Chủ tịch UBND xã Tân Bằng Lê Hoàn Phương, trong khi hơn 3.200 ha tôm trên địa bàn bị thiệt hại do đợt nắng hạn vừa qua, thì các hộ dân này lại sản xuất hiệu quả. Từ hiệu quả ấy, ngoài việc cải thiện đời sống người dân còn tạo nên không khí phấn khởi cho người nuôi tôm trên địa bàn.

Là người trực tiếp quản lý mô hình trong suốt thời gian vừa qua nhưng bà Hoà hiện nay vẫn còn khá dè dặt trong việc khẳng định mô hình này khi chia sẻ: “Phải đợi người dân thu hoạch hết đợt thả giống ngày 12/5 mới có thể khẳng định được”. Thời tiết nắng nóng vừa qua đã khiến tỉnh phải công bố thiên tai mức độ 2 trên lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản là liều thuốc test cho hiệu quả của mô hình.

Theo nhận định của ông Dũng, kỹ thuật được áp dụng trong suốt quá trình nuôi là không phải quá khó và đòi hỏi cao, nhưng cái cốt lõi là chất lượng đầu vào con giống được xét nghiệm khá kỹ cũng như chất lượng nguồn nước trong ao nuôi và cả nước khi cấp vào ao. Từ đó, dù cho thời tiết nắng nóng nhưng hiệu quả trong sản xuất mang về cũng khá cao, người dân vô cùng phấn khởi.

Ðã có thâm niên trên 10 năm theo nghề nuôi tôm ở đây nhưng năm nay được xem là năm mà gia đình ông Nguyễn Văn Bi thành công nhất. Ông Bi chia sẻ, tôm chỉ nuôi khoảng 2,5 tháng là đạt trọng lượng 40 con/kg. Thậm chí đợt đầu tiên khi nắng chưa gay gắt lắm, độ mặn còn thấp, tôm nuôi đạt đến 20 con/kg chỉ khoảng 3 tháng nuôi. Quá trình nuôi gần như không sử dụng hoá chất kháng sinh gì, ngoại trừ men vi sinh. Ðây là hiệu quả ngoài mong đợi của người dân khi tham gia mô hình.

Rõ ràng, việc sử dụng men vi sinh trong nuôi tôm quảng canh cải tiến là không mới đối với nghề nuôi tôm trên địa bàn tỉnh. Nhưng chính sự theo dõi kiểm tra sát sao đầu vào nguồn con giống, nguồn nước và sự gắn bó hỗ trợ của nhân viên kỹ thuật và người nông dân chính là yếu tố quan trọng góp phần cho mô hình thành công đến thời điểm này. Theo nhận định của bà Hoà, đây là mô hình rất dễ nhân rộng, sau thu hoạch đợt tới có đánh giá chính thức hiệu quả, khi ấy sẽ có kế hoạch tham mưu nhân rộng mô hình trong dân./.

Theo Báo Cà Mau