Nuôi tôm hiệu quả như Hòa Nghĩa
- Thứ ba - 30/06/2015 21:57
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đoàn kết, đồng lòng
Ông Tăng Văn Tuối, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa cho biết: Vào năm 2002, có 17 hộ nông dân nuôi tôm trong xóm cùng vào câu lạc bộ sản xuất. Do quy mô đất của câu lạc bộ cộng lại khá lớn, hơn 53 ha nên một năm sau, tất cả xã viên đồng thuận thành lập HTX Hòa Nghĩa.
“HTX được chính quyền địa phương ủng hộ, cán bộ khuyến ngư, Chi cục Thủy sản trợ giúp kỹ thuật, ngân hàng hỗ trợ vốn. Ưu thế hợp tác thấy rõ như khâu đầu vào (thức ăn, thuốc thú y thủy sản…) có đại lý vật tư nông nghiệp cung cấp với giá sỉ, cuối vụ thanh toán. Muốn lựa chọn phương án sản xuất, tôm sú hay tôm thẻ chân trắng để có hiệu quả cao theo nhu cầu thị trường được một số công ty thủy sản tư vấn, cuối vụ đảm bảo khâu tiêu thụ, thu mua tôm với giá tốt nhất. Lợi ích nhiều như vậy nên việc vào HTX là hợp lý”. - ông Tăng Văn Súa, thành viên của HTX Hòa Nghĩa.
Mục tiêu HTX nhằm nâng cao tính tương trợ, phải làm sao giúp cho tất cả xã viên sản xuất đạt hiệu quả cao hơn so với hồi trước mạnh ai lấy làm. Do đó, HTX khoán đất, nghĩa là đất của xã viên nào người ấy tự làm. Riêng về kỹ thuật sản xuất, lịch thời vụ, cách thức lựa chọn con giống, thức ăn và thuốc thú y thủy sản phải được Ban chủ nhiệm đồng ý, quyết định thì xã viên mới tiến hành làm. Về khoản lập quỹ, Ban chủ nhiệm và xã viên nhất trí quy định, mức đóng góp căn cứ trên diện tích đất sản xuất, cứ 1 ha góp quỹ 1 triệu đồng. Nguồn quỹ này sử dụng với mục đích tương trợ như: hỗ trợ tiền mua giống cho hỗ xã viên chẳng may có một, hai vụ nuôi thất bát. Xã viên vay vốn từ quỹ đến cuối vụ trả lại, thay vì phải đi vay ngân hàng.
Ông Tăng Văn Tuối (bên trái) giới thiệu mô hình nuôi tôm ở HTX Hòa Nghĩa - Nguồn: TTKNQG
Liên tiếp thắng lớn…
Sau hơn 13 năm với nhiều vụ nuôi tôm sú thắng lợi liên tiếp HTX Hòa Nghĩa tính toán chuyển hướng nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm gia tăng lợi nhuận. Nhưng dịch bệnh là thử thách lớn nhất. Năm 2011, khi hội chứng hoại tử gan tụy trên tôm nuôi bùng phát diện rộng, HTX bị thiệt hại trên 3 tỷ đồng. Năm 2012, HTX cải tạo ao cẩn thận hơn, thả nuôi với mật độ thưa và áp dụng kỹ thuật nuôi tôm theo mô hình CPF-Turbo Program, thực hiện nuôi ghép cá rô phi trong ao lắng và ao nuôi. Kết quả HTX thắng lớn, đạt lợi nhuận trên 11 tỷ đồng, hộ xã viên có lãi mức cao nhất 2 tỷ đồng, thấp nhất 70 triệu đồng. Cũng trong năm 2012, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng đầu tư 300 triệu đồng cho HTX Nuôi tôm Hòa Nghĩa xây dựng mô hình “Cánh đồng mẫu nuôi tôm”, tập huấn nuôi theo quy trình VietGAP để hướng tới tôm sạch.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, sang vụ nuôi 2013, HTX tiếp tục áp dụng mô hình nuôi ghép với cá phi, kết hợp với việc thả mật độ thưa và mở rộng thêm diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng. Mật độ thả nuôi tôm sú dự kiến chỉ từ 10 - 15 con/m2, còn tôm thẻ chân trắng cao nhất là 60 con/m2. Ông Tuối tính toán: “Ở đây vụ rồi có hộ chỉ thả 100.000 con giống tôm thẻ chân trắng trên diện tích 8.000 m2, tính ra mật độ chỉ khoảng 13 con/m2, nhưng thu được tới 3,2 tấn tôm, lời 300 triệu đồng khỏe”.
Đến năm 2014, HTX Hòa Nghĩa thu khoảng 15 tấn tôm sú và gần 95 tấn tôm thẻ chân trắng, tuy giá tôm giảm so với năm 2013, nhưng HTX cũng thu về hơn 11 tỷ đồng, bà con có lợi nhuận gần 5 tỷ đồng.
… nhờ quy trình nuôi hiệu quả
Ông Tăng Văn Tuối, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa cho biết: Thành công đó là nhờ bên cạnh quản lý chặt chẽ chất lượng con giống, mật độ thả nuôi thưa, HTX còn chủ trương nhân rộng mô hình nuôi cá rô phi để xử lý nước trong ao lắng và nuôi ghép cá rô phi, cá kèo với con tôm, tạo hệ thống máy lọc sinh học xử lý môi trường ao nuôi tôm.
Với 53,5 ha diện tích ao nuôi, HTX bố trí ao lắng và ao nuôi cá rô phi khoảng 23,5 ha, còn 30 ha thả nuôi tôm. Thời vụ thả nuôi tôm vào tháng 4 và tháng 7, trong các ao lắng luôn có nguồn cá rô phi sẵn, còn thời điểm thả ghép cá rô phi vào ao tôm là sau khi xử lý nước để thả tôm hoặc khi tôm nuôi được 15 - 20 ngày tuổi. Ngoài ra theo người nuôi tôm ở đây, nguồn nước lấy từ ao lắng cần được lọc qua túi vải một lần nữa để ngăn chặn trứng tép, trứng cá trước khi lấy vào ao nuôi tôm, nên lấy nước vào chiều mát hoặc sáng sớm. Nhờ việc nắm chắc kỹ thuật xử lý nước trong ao nuôi tôm, nên xã viên HTX Hòa Nghĩa hạn chế tối đa việc lấy nước từ bên ngoài, đảm bảo cho môi trường đất, nước trong ao nuôi tôm sạch mầm bệnh, độ kiềm, độ pH đạt chuẩn, giúp cho tôm có sức sống tốt và đạt năng suất cao.
>> Ông Tăng Văn Tuối, Giám đốc HTX Hòa Nghĩa chia sẻ: “Muốn tạo được sự đồng thuận cao của tất cả xã viên, Ban chủ nhiệm HTX điều hành, quản lý thu - chi minh bạch, rõ ràng; đồng thời định hướng hoạt động, kế hoạch, phương án sản xuất thích hợp, kịp thời cho từng vụ nuôi. HTX thành công là nhờ bà con xã viên đoàn kết, đồng lòng”. |