Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc

Nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ Biofloc
Bạc Liêu hiện là một trong những tỉnh nuôi tôm lớn nhất nhì đồng bằng sông Cửu Long và đang phấn đấu trở thành thủ phủ nuôi tôm lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm vẫn còn nhiều bất cập.

Thương lái thu mua tôm tại thành phố Bạc Liêu. Ảnh: Huỳnh Sử/TTXVN

Việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, gây khó khăn cho quản lý và cho năng suất thấp, thiếu bền vững, dễ bị tổn thương. Cùng đó, thị trường còn bấp bênh, khó cạnh tranh và chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chính là con tôm vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò và tiềm năng; việc phân bổ nguồn lực đầu tư, chính sách khuyến khích vẫn chưa thật sự hợp lý. 

Mong muốn khắc phục những bất cập này, Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất và thương mại Trúc Anh (Công ty Trúc Anh) đã nghiên cứu sản xuất và áp dụng nhiều quy trình nuôi tôm khác nhau, từ đó đúc kết và hoàn thiện quy trình nuôi chuẩn để nhân rộng. Theo đó, công ty đã nghiên cứu xây dựng thành công mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh ứng dụng công nghệ biofloc phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế – xã hội ở tỉnh; góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm thiểu rủi ro và tăng lợi nhuận trên cùng diện tích... 

Mô hình này bước đầu đã thể hiện nhiều ưu thế như: giảm thiểu lượng tôm chết sớm trong giai đoạn 20 ngày đầu khi thả giống; không sử dụng hóa chất trong quá trình nuôi, không gây tác động xấu đến môi trường; tái sử dụng chất thải của tôm thành hạt biofloc làm thức ăn cho tôm; hệ số chuyển đổi thức ăn thấp, thời gian nuôi ngắn nên giảm chi phí từ 10 – 20% so với các mô hình nuôi khác; quy trình nuôi dễ thực hiện, phù hợp với quy mô nhỏ lẻ lẫn trang trại... 

Trong điều kiện nội lực của người sản xuất còn khó khăn, nghề nuôi tôm đang đối mặt với nhiều rủi ro, bất lợi do diễn biến phức tạp khó lường của thời tiết và dịch bệnh thì mô hình này cần được tham khảo bởi sẽ góp phần hạn chế rủi ro, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người nuôi ở Bạc Liêu nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung. 

Giám đốc Công ty Trúc Anh Lê Anh Xuân cho biết, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc đem lại hiệu quả cao. Đây là mô hình mới không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới bởi giảm được tỷ lệ tôm chết, lượng thức ăn và ô nhiễm môi trường… Hai năm nay, công ty thành công liên tục và đã chuyển giao mô hình này ở tất cả các tỉnh thành trong cả nước; tạo điều kiện cho người dân, đối tác, các công ty, tập đoàn đến tham quan, học hỏi quy trình sản xuất; cử các kỹ sư đến trao đổi, hướng dẫn, chỉ dạy tại cơ sở... 

Tại Phú Tân, tỉnh Cà Mau, công ty đã chuyển giao quy trình cho các hộ sản xuất. Hộ ông Chánh thực hiện quy trình với 1 ao ương 500m2 và 1 ao nuôi 5.400m2. Sau 103 ngày nuôi, tôm đạt kích cỡ 50 con/kg, đạt sản lượng 16 tấn, cho lợi nhuận gần 900 triệu đồng. Nhiều hộ nuôi khác áp dụng quy trình này cũng đều cho hiệu quả cao. 

Anh Tăng Văn Thắng (Long Điền, Đông Hải, Bạc Liêu) chia sẻ, trước đây đã đi tham quan nhiều nhưng thấy mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc của Công ty Trúc Anh cho hiệu quả cao nên quyết định áp dụng vào sản xuất và thay thế mô hình cũ. Mô hình này tiện lợi trong việc quản lý, nhẹ chi phí. Trong quá trình nuôi, công ty có cử kỹ sư đến tư vấn, chuyển giao kỹ thuật tại chỗ nên rất thuận lợi. Năng suất tôm sau khi thu hoạch cao hơn cả về số lượng, chất lượng và giá cả. 

Ông Lê Phước Hoài, đại lý thu mua Phước Đạt huyện Hòa Bình cho biết, mô hình này cho chất lượng tôm tốt, đặc biệt là tôm màu nâu đen nên được người nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và Nhật Bản. Sản phẩm như vậy có thể có giá cao hơn thị trường từ 3.000 – 5.000 đồng thậm chí là 10.000 đồng/kg. 

Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, Tiến sỹ Huỳnh Minh Hoàng nhận định, công trình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc của Công ty Trúc Anh đã được nghiệm thu. Mô hình đạt hiệu quả cao, phù hợp với môi trường nuôi tôm ven biển tỉnh Bạc Liêu; tạo điều kiện cho nông dân sản xuất nhiều vụ trong năm; giảm chi phí đầu tư sản xuất, sản phẩm tôm sạch; giảm rủi ro so với các mô hình nuôi tôm trước đây. Giai đoạn tới, người nông dân và công ty sẽ được kết nối để ứng dụng đại trà mô hình này vào trong sản xuất; đồng thời ký kết các hợp đồng, bản ghi nhớ giữa các đơn vị doanh nghiệp có liên quan. 

Bạc Liệu hiện đã quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển định hướng đến năm 2020 là 6.000 ha. Mô hình này tín hiệu vui, mở ra một phương thức nuôi tôm mới cho nông dân nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo Như Bình (TTXVN)