Nuôi vịt trời ở đồng chiêm trũng-1 vốn bốn lời, chưa bao giờ ế
- Thứ năm - 26/07/2018 02:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Với quy mô 300 triệu đồng giải ngân cho 10 hộ nuôi vịt trời, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Vĩnh Phúc đã giúp cho nhiều hộ hội viên, nông dân xã Tân Phong (huyện Bình Xuyên) vươn lên làm ăn khấm khá với mức thu nhập mỗi hộ đạt hàng trăm triệu đồng/năm.
Nhu cầu thị trường cao
Tận dụng diện tích đất chiêm trũng, khó canh tác, vài năm trở lại đây, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã Tân Phong, huyện Bình Xuyên đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi vịt trời, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập.
Mô hình nuôi vịt trời của gia đình ông Lê Văn Toàn, thôn Tiền Phong, xã Tân Phong (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Phùng Hải.
Ông Hà Trọng Tấn - Chủ tịch Hội ND xã Tân Phong cho biết, toàn xã có khoảng 30 hộ chăn nuôi vịt trời, với quy mô từ vài trăm đến hàng nghìn con/hộ. Đi đầu về mô hình nuôi vịt trời thành công phải kể đến gia đình ông Lê Văn Toàn, thôn Tiền Phong, với số lượng đàn vịt trời lớn nhất địa phương.
Năm 2014, ông Lê Văn Toàn về tỉnh Bắc Giang để học tập mô hình chăn nuôi vịt trời. Nhận thấy đây là một mô hình kinh tế tiềm năng và hiệu quả, ông cùng gia đình đầu tư công sức, tiền của để mua con giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi.
Với diện tích trang trại gần 3ha, hiện nay gia đình ông Lê Văn Toàn nuôi khoảng 1.700 con vịt trời thương phẩm, 300 con vịt trời bố, mẹ để lấy trứng ấp nở, nhân giống và bán con giống.
Qua thực tế, ông Toàn nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc chăn nuôi vịt trời luôn cao gấp 2 lần so với nuôi các loại vịt thông thường khác. “Trong khi giá vịt ta khoảng 40.000 đồng/kg thì giá vịt trời hiện được bán ra thị trường với giá từ 80.000 - 85.000 đồng/kg. Vịt ta có thể có thời điểm giá giảm, nhưng giá bán vịt trời khá ổn định trong mấy năm gần đây…” - ông Toàn cho hay.
Theo ông Toàn, nuôi vịt trời không hề khó, thậm chí là nhàn hơn so với nuôi vịt ta do chúng có sức đề kháng tốt nên ít bị dịch bệnh. Hơn nữa, vịt trời ăn ít hơn vịt ta. Thức ăn của chúng cũng rất đơn giản, chủ yếu là thóc, ngô, cám, các loại rau... Một con vịt trời thương phẩm đạt cân nặng từ 1-1,2kg là có thể xuất chuồng. Chất lượng thịt của vịt trời thơm ngon, được nhiều người ưa chuộng và coi như một món đặc sản trên thị trường nên vịt trời vẫn có nhu cầu lớn. Không phải vất vả tìm đầu ra cho sản phẩm, các lái buôn từ Vĩnh Yên, Xuân Hòa..., thậm chí từ Hà Nội, Lạng Sơn đến tận nhà ông Toàn để thu mua vịt trời.
Được Quỹ Hỗ trợ nông dân tiếp sức
Theo các hộ chăn nuôi vịt trời, để chăn nuôi đạt hiệu quả, khâu chọn giống là rất quan trọng. Do đó, trong quá trình ấp vịt trời giống, người nuôi cần phải lựa chọn kỹ con giống và áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật.
Mô hình kinh tế hiệu quả này đã mang lại cho gia đình ông Toàn lợi nhuận từ 200 - 230 triệu đồng/năm. Hàng năm, vào những thời điểm bận rộn, từ tháng 4 - 5, tháng 8 - 9, ông Toàn phải thuê thêm 3 - 4 nhân công thời vụ với số tiền 200 - 250.000 đồng/người/ngày.
Dự án sử dụng vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân nuôi vịt trời ở xã Tân Phong là 1 trong nhiều mô hình sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao có sự hỗ trợ, tác động của Hội ND các cấp tỉnh Vĩnh Phúc. |
Ông Toàn chia sẻ: "Gia đình tôi rất may mắn khi là 1 trong 10 hộ dân trong xã được vay 30 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh với mức phí ưu đãi. Nhờ vào nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, chúng tôi có thêm kinh phí để mở rộng chuồng trại, đầu tư nhân đàn vịt trời, phát triển kinh tế. Hàng năm, chúng tôi cũng được Hội ND xã cử đi tập huấn các mô hình kinh tế hiệu quả khác ở trên địa bàn trong và ngoài huyện…".
Trong thời gian tới, với sự tiếp sức từ nguồn vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Toàn dự định sẽ tăng đàn vịt trời lên khoảng 5 - 6 nghìn con. Ông rất mong sẽ có nhiều người thử nghiệm để phát triển mô hình này. Ông Hà Trọng Tấn - Chủ tịch Hội ND xã Tân Phong cho biết, trước kia, nhiều hộ gia đình nuôi vịt trời tràn lan, theo trào lưu. Hiện nay, các hộ đã đầu tư một cách bài bản, có chiều sâu, chịu khó học hỏi, biết áp dụng các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Bên cạnh đó, Hội ND xã còn thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, thủy cầm, giúp cho bà con nắm được kiến thức áp dụng vào thực tế, đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất.