Ông Âu Văn On tiên phong xây dựng mô hình cá + lúa ở Hậu Mỹ Bắc A
- Thứ năm - 18/01/2018 02:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Xã Hậu Mỹ Bắc A, quê ông vốn nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, điều kiện canh tác khó khăn. Trước kia, hàng năm vào mùa lũ nước ngập lênh láng nhấn chìm làng mạc, ruộng nương, gây ra nhiều thiệt hại không thể tính được. Nhận thấy sản xuất theo mô hình truyền thống độc canh mỗi năm ba vụ không còn thích hợp nữa; đồng thời, không tránh khỏi thiên tai gây hại, ông tìm kiếm con đường đột phá cho nông nghiệp, nông thôn bằng những mô hình mới, thích ứng biến đổi khí hậu vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao, khả dĩ giúp nông dân đổi đời.
Khoảng cuối thập niên 90 của Thế kỷ 20, sau khi tham khảo cán bộ khuyến nông, tìm hiểu qua sách báo tài liệu đồng thời dựa vào sự mẫn cảm, nhạy bén của một lão “nông tri điền”, ông mạnh dạn nghiên cứu cách cho cá đẻ, ương dưỡng cá bột lên cá giống đồng thời cải tạo 2,4 ha đất nhà sản xuất theo mô hình cá + lúa. Vạn sự khởi đầu nan, ban đầu ông On xây bể đẻ, làm ao mương thả nuôi cá bố mẹ và học kỹ thuật cho cá mè vinh, cá trôi, cá hường (cá mùi)…đẻ theo phương pháp nhân tạo. Đây là những loại cá dễ kích thích cho đẻ bằng phương pháp nhân tạo.
Có nguồn cá bột tự sản xuất được, ông bắt đầu đưa lên ruộng ương dưỡng lên cá giống xuất bán đáp ứng nhu cầu nuôi cá nước ngọt trong nhân dân. Để thành công với mô hình mới, ông đồng thời phải bố trí lại thời vụ canh tác trong năm, chỉ sản xuất vụ lúa Đông Xuân, các vụ còn lại trong năm thì ương dưỡng cá giống trên ruộng. Để ương dưỡng cá giống trên ruộng, ông đào con mương cặp theo ruộng lấy đất đắp bờ bao, giữ mực nước trên ruộng tối thiểu 3 tấc (0,3 m). Qua theo dõi, ông nhận thấy cứ 1,5 kg cám hoặc thức ăn cho ra 1 kg cá giống. Ngoài ra, sau vụ ương dưỡng cá giống, ruộng trên trồng lúa đạt năng suất cao, thường rất trúng mùa trong khi chi phí về phân bón, thuốc trừ sâu giảm hẳn.
Thành công với cá mè vinh, cá hường…tạo động lực để ông bắt đầu tìm hiểu, tham dự các lớp tập huấn sinh sản nhân tạo các loại cá “khó tính” hơn: cá trôi, cá chim trắng, tôm càng xanh…do các Viện, Trường Đại học phía Nam tổ chức. Và ông cũng gặt hái kết quả rực rỡ.
Ở Tiền Giang, ông Âu Văn On là nông dân đầu tiên cho đẻ thành công cá chim trắng bằng phương pháp nhân tạo, góp phần đa dạng hóa nguồn giống thủy sản nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, ông tự sản xuất được hầu hết các giống cá nước ngọt đang được nuôi thịnh hành tại Đồng bằng sông Cửu Long như: trôi, chép, mè vinh, tôm càng xanh, cá chim trắng…trong hệ thống bể đẻ, bể ương do tự mình thiết kế, xây dựng.
Nói về hiệu quả kinh tế, ông Âu Văn On cho biết, với diện tích canh tác 2,4 ha chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang mô hình cá + lúa, mỗi năm từ các nguồn lợi: lúa, cá bột, cá giống, ông thu lãi ròng trên 250 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với mô hình canh tác truyền thống vốn đối mặt nhiều rủi ro. Nhờ hiệu quả từ mô hình canh tác mới “chung sống với lũ”, từ một nông dân lam lũ, ông Âu Văn On đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng, cất nhà cửa khang trang, chăm lo cho con cái học hành.
Hơn thế, nhận thấy chỉ thay đổi tư duy, thay đổi mô hình sản xuất thích ứng với điều kiện thiên nhiên khắt nghiệt mới có thể làm giàu từ đất đai, lao động, ông Âu Văn On tuyên truyền, phổ biến và chuyển giao kỹ thuật sản xuất theo mô hình cá + lúa cho bà con nhân dân quanh vùng. Cụ thể là ấp Mỹ Chánh 4, xã Hậu Mỹ Bắc A, quê ông. Việc ông Âu Văn On áp dụng thành công mô hình cá + lúa và chuyển giao kỹ thuật cho bà con đã mở ra hướng đột phá để phát triển kinh tế cho vùng thuần nông Đồng Tháp Mười, góp phần thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp – nông thôn nơi đây.
Cụ thể, xã Hậu Mỹ Bắc A đã định hình vùng sản xuất theo mô hình cá + lúa trên 100 ha tai ấp Mỹ Chánh 4. Ông còn vận động thành lập được Chi hội nghề cá xã Hậu Mỹ Bắc A thu hút hàng trăm hội viên. Trung bình mỗi năm xã Hậu Mỹ Bắc A đạt sản lượng gân 1 tỉ con cá bột, trên 400 tấn cá giống nước ngọt, trở thành một trong những trung tâm cung ứng chủ yếu nguồn cá giống nước ngọt phục vụ nhu cầu nuôi cá tại các tỉnh phía Nam chưa kể một phần xuất sang Cam Pu Chia qua con đường tiểu ngạch.
Nhờ con cá giống, ấp Mỹ Chánh 4 đã hình thành cánh đồng 100 triệu đồng/ ha/ năm. Trước đây nhân dân trong ấp đa phần nghèo khó, thiếu trước hụt sau, nay 90% hộ dân có xe gắn máy, 100% hộ dân có điện thoại, 90% hộ cất được nhà kiên cố và bán kiên cố đồng thời ấp Mỹ Chánh 4 cũng đã được công nhận ấp văn hóa.
Bản thân ông Âu Văn On trực tiếp chuyển giao kỹ thuật ương ép cá giống, nuôi cá thịt, sản xuất theo mô hình mới cho trên 150 lượt nông dân trong xã, hỗ trợ hộ nghèo con giống không tính lãi trị giá khoảng 50 triệu đồng trong đó có 30 hộ trước đây nghèo khó đã thoát nghèo và khấm khá hẳn lên.
Theo ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Bắc A, ông Âu Văn On là nông dân sản xuất – kinh doanh giỏi tiêu biểu của địa phương, là hạt nhân của mô hình cá + lúa “chung sống với lũ” đang làm thay đổi hẳn diện mạo nông nghiệp - nông thôn Đồng Tháp Mười, đưa miền quê nghèo khó Hậu Mỹ Bắc A trở thành một trong những điểm sáng về kinh tế - xã hội tỉnh Tiền Giang hôm nay. Ông On xứng đáng được nhận nhiều phần thưởng cao quí do Đảng và Nhà nước trao tặng; trong đó, có Huân chương lao động Hạng II và Hạng III.