Phát triển CĂQ gắn với xây dựng thương hiệu: Cách làm của Sơn La
- Thứ ba - 11/06/2019 06:27
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Cách làm mang tính chiến lược
Cuối năm 2015, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La có chủ trương phát triển cây ăn quả trên đất dốc đến năm 2020.
Ngay sau đó, Sơn La đã tổ chức đánh giá, ban hành chính sách hỗ trợ các hộ gia đình ghép cải tạo vườn tạp và đưa giống cây ăn quả đã ghép đảm bảo chất lượng vào trồng, mở rộng quy mô sản xuất.
Từ năm 2015, Sơn La đã hỗ trợ mô hình áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp với bón phân hòa tan. Tỉnh hỗ trợ 200.000 đồng/hộ ghép cải tạo vườn tạp; riêng các hộ tái định cư thủy điện Sơn La được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ. Xã hội hóa vườn ươm giống cây ăn quả, nhất là giống cây lưu vườn; mở chợ giống cây ăn quả...
Đặc biệt, Sơn La tập trung chỉ đạo việc chuyển đổi, thành lập mới các HTX nông nghiệp theo Luật HTX năm 2012. HTX giúp và kiểm soát các hộ thành viên thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Khuyến khích ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất và chế biến, gắn với việc hoàn thiện mối quan hệ phân phối lợi ích để phát triển theo hướng nâng cao chuỗi giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh thu hút các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp liên kết với các HTX đầu tư nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu, đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ tại các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và xuất khẩu các loại quả tươi.
Hình thành vùng cây ăn quả tập trung
Giờ đây, Sơn La phát triển được một số vùng cây ăn quả hàng ngàn hecta có chất lượng cao. Thông qua ghép giống cây ăn quả mới đã hình thành một số vùng nhãn, xoài, na… Đây là những giống chất lượng cao của một số nước đưa vào trồng theo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.
Ông Lò Minh Hùng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết, tính đến hết năm 2018, Sơn La có trên 58.800ha cây ăn quả (hiện có 61.021ha); trong đó, nhãn 14.659ha, xoài 11.580ha, sơn tra 11.365ha, chanh leo 1.390ha, bơ 1.022ha, cây ăn quả có múi 3.488ha, na 211ha, hồng 117ha, dâu tây 19ha; .... Tổng sản lượng đạt trên 218.000 tấn và đã xuất khẩu được 16 loại nông sản, thực phẩm với trên 17.500 tấn quả các loại vào thị trường 12 nước.
Trong 2 năm 2017-2018, Sơn La đã hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả cho gần 80.000 hộ gia đình với 4,1 triệu cây. Từ hiệu quả thực tế của từng gia đình, các hộ đã chủ động đầu tư mở rộng diện tích cây ăn quả giống mới.
Năm 2018, có 41 đơn vị thực hiện quy trình sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đã xây dựng thương hiệu cho 17 sản phẩm nông sản. Từ tháng 3/2017, bắt đầu gắn tem nhãn điện tử thông minh nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Năm 2018, hỗ trợ 160.500 tem cho 45 HTXsản xuất rau và quả an toàn.
Hết năm 2018, Sơn La có khoảng 84.030 hộ gia đình với 445.380 nhân khẩu (chiếm 37% dân số toàn tỉnh) sản xuất, kinh doanh 58.824ha cây ăn quả. Nhiều diện tích cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép 600 triệu đồng/ha; xoài ghép 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép 360 triệu đồng/ha; na Hoàng 1 tỷ đồng/ha.
Về định hướng phát triển, ông Hoàng Văn Chất, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, cho biết, năm 2019, dự kiến sản lượng các loại quả của tỉnh đạt trên 410.000 tấn, tăng 188% so với năm 2018. Tỉnh ủy Sơn La sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND tỉnh khâu nối, đôn đốc, chỉ đạo các HTX, hộ gia đình tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; chỉ đạo các hộ gia đình chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang trồng vùng nguyên liệu rau và quả, đáp ứng đủ nguyên liệu, đúng tiêu chuẩn cho các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu.
Trong đó, Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực, chủ trì nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tập trung phát triển 117 chuỗi nông sản bền vững. Rà soát diện tích cây công nghiệp trồng từ những năm trước hiệu quả thấp, nhất là diện tích cây cao su.
Hội Ngành nghề nông nghiệp, nông thôn Sơn La đẩy mạnh tập huấn kỹ thuật cho hội viên, nông dân; xây dựng mô hình, phối hợp các ngành chức năng vận động, hướng dẫn thành lập HTX cây ăn quả…
Ông Chất yêu cầu, các sở, ngành, huyện, thành phố tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm các loại quả theo hướng trồng xen các loại cỏ phục vụ chăn nuôi đại gia súc và tập trung phát triển các chuỗi nông sản bền vững; rà soát, đề xuất xây dựng các chính sách hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tiễn. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, tổ chức lại sản xuất theo hướng hàng hóa; nâng cao quan hệ hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị ngành hàng, tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất, cơ sở bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản...
Theo PV/kinhtenongthon.vn