Phát triển NN bền vững ĐBSCL tập trung 3 mũi nhọn: Lúa gạo, thủy sản, trái cây
- Thứ sáu - 29/09/2017 18:40
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Toàn bộ cá tra xuất khẩu là của ĐBSCL.
Đa dạng nhưng thiếu bền vững
Đó là nhận định của nhiều chuyên gia về phát triển nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Hội nghị phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì tại TP.Cần Thơ.
Báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn cho thấy, ĐBSCL cung cấp 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, chiếm 20% thị phần gạo thương mại toàn cầu; hầu như toàn bộ cá tra xuất khẩu là của ĐBSCL với sản lượng hơn 1 triệu tấn/năm; sản xuất tôm của vùng chiếm 80% sản lượng, đóng góp 60% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước; xuất khẩu trái cây của ĐBSCL tăng trưởng nhanh chóng.
Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và PTNT triển khai nhiều giải pháp để thúc đẩy nông nghiệp bền vững tại ĐBSCL. Trong ngành trồng trọt, Bộ đã phối hợp với các địa phương tích cực chuyển đổi từ lúa sang cây trồng cạn khác với mục tiêu tăng tính linh hoạt của đất lúa, hiện diện tích chuyển đổi đất trồng lúa toàn vùng là 78.375ha. Bộ cũng kết hợp với các tỉnh ĐBSCL chuyển đổi cơ cấu mùa vụ nhằm tránh hạn mặn cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu ở các khu vực ven biển, thu hẹp lúa xuân hè và tăng vụ thu đông. Giai đoạn 2011-2017, các viện nghiên cứu của Bộ đã lai tạo và công nhận 41 bộ giống lúa sản xuất thử, trong đó có nhiều giống ngắn ngày, giúp né mặn, tránh lũ, chịu phèn, chịu mặn. Các quy trình canh tác lúa bền vững thích nghi với biến đổi khí hậu như “Ba giảm, ba tăng”, “một phải, năm giảm”, “một phải, sáu giảm”,... cũng ngày càng được áp dụng rộng rãi trong vùng.
Trong ngành chăn nuôi, đã có một số mô hình thích ứng tốt với BĐKH như vịt chạy đồng, vịt biển, chim yến, ong. Trong ngành lâm nghiệp, rừng ngập mặn đã được chú ý phát triển trở lại tại một số địa bàn. Đặc biệt, đã có nhiều mô hình phát triển bền vững, thích ứng với BĐKH như tôm - lúa, tôm - rừng tại vùng ven biển, tạo sinh kế ổn định cho người dân.
Tuy vậy, sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang tồn tại một số vấn đề lớn như: việc tập trung quá mức vào sản xuất lúa thâm canh, nhất là việc canh tác 3 vụ lúa/năm đã tạo ra những hệ lụy đáng báo động về sinh thái, môi trường, đa dạng sinh học và hiệu quả sử dụng tài nguyên. Diện tích nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là tôm, cá tra) tăng nhanh trong giai đoạn 2000-2010 nhưng thiếu kiểm soát về môi trường, dẫn đến dịch bệnh bùng phát.
Tình trạng lạm dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi thủy sản chưa được kiểm soát. Tổ chức sản xuất và phát triển chuỗi giá trị nông sản cũng là một nút thắt trong phát triển nông nghiệp vùng.
Thách thức
Theo kịch bản quốc gia về BĐKH, nhiệt độ tăng, hạn hán (và thiếu nước tưới) kết hợp với xâm nhập mặn gia tăng sẽ ảnh hưởng đến sự phân bố cây trồng, đặc biệt làm giảm năng suất. Hậu quả là, ĐBSCL có nguy cơ mất đi 7,6 triệu tấn lúa/năm, tương đương với 40,52% tổng sản lượng lúa của cả vùng. Theo kịch bản trung bình về BĐKH, năng suất lúa xuân giảm 405,8kg/ha vào năm 2030 và 716,6kg/ha vào năm 2050. Nếu mực nước biển dâng cao 1m, sẽ có khoảng 38,9% diện tích ĐBSCL, khoảng 10 - 12% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất khoảng 10% GDP.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, với kịch bản BĐKH như vậy, hệ canh tác cũ không còn phù hợp.
Hạn, mặn đã dẫn đến lúa không đủ nước ngọt, thời vụ cũ sẽ có khó khăn do những sự thay đổi bất thường của thời tiết, khí hậu, thể hiện rõ nhất là 17.000ha lúa đông xuân 2016-2017 bị bệnh sâu năn cọng hành ở Kiên Giang, Cần Thơ do ảnh hưởng nền nhiệt thấp và mưa sớm. Hoặc thiệt hại lúa đông xuân và xuân hè giai đoạn thu hoạch vừa qua do mưa lớn, mưa quá nhiều cuối vụ.
Hạn mặn xuất hiện nhiều hơn khiến một bộ phận người dân sẽ thiếu nước sinh hoạt trong các tháng mùa khô, điển hình là, 1 triệu người thiếu nước ngọt đầu năm 2016.
Với tốc độ sạt lở bờ biển như hiện nay đa làm cho diện tích rừng ngập mặn suy giảm khá nhanh, hiện chỉ còn khoảng 63.000ha, nếu không quyết liệt giữ sẽ dần dần biến mất.
Tập trung vào 3 mũi nhọn
Từ những thách thức này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, cần tăng cường năng lực thích ứng của hệ thống sản xuất thay vì cố gắng để chống lại BĐKH; nắm bắt các cơ hội phát triển lớn của vùng trong điều kiện BĐKH, sẵn sàng đối phó với những tình huống BĐKH cực đoan xấu nhất.
Theo đó, sẽ giảm dần diện tích lúa theo hướng chuyển đổi toàn bộ diện tích lúa 3 vụ sang lúa 2 vụ và luân canh với 1 vụ rau màu hoặc thủy sản. Chuyển sự tập trung vào số lượng sang chất lượng để đáp ứng nhu cầu các thị trường đòi hỏi chất lượng cao trong và ngoài nước, tạo ra thương hiệu gạo Việt.
Trái cây phát triển theo hướng thâm canh, chuyên canh nhằm hướng tới các thị trường xuất khẩu giá trị cao.
Thủy sản chuyển đổi mạnh cơ cấu giữa nuôi trồng trong nội địa với nuôi trồng trên biển; cơ cấu giữa nuôi và trồng. Phát triển mạnh nuôi, trồng trên biển, đặc biệt nuôi hải sản lồng bè trên biển quanh đảo (Kiên Giang, Cà Mau), nghiên cứu thử nghiệm các đối tượng nuôi trồng mới trên biển.
Lĩnh vực chăn nuôi tập trung vào các sản phẩm thủy cầm (vịt chạy đồng, vịt biển, chim yến), kết hợp quy hoạch ở quy mô hợp lý chăn nuôi bò thịt và lợn phục vụ thị trường tại chỗ của ĐBSCL và TP.Hồ Chí Minh. Phát triển hệ thống chế biến sâu các sản phẩm từ chăn nuôi gia cầm hướng đến xuất khẩu.
“Phục hồi và phát triển rừng ngập mặn là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của ĐBSCL và phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm của vùng”, ông Cường nhấn mạnh.
Theo GS.TSKH Đào Xuân Học, cần chuyển đổi từ chiến lược “Sống chung với lũ” sang chiến lược “Chủ động sống chung với lũ”. Để thực hiện chiến lược này chúng ta đã có 4 con đường giao thông bộ dọc hai bên sông là những con đê, cần xây dựng thêm hệ thống cống (bao gồm cống và âu thuyền). Đưa vào quy hoạch xây dựng dự án đê biển Vũng Tàu-Gò Công; tăng cường khả năng thoát lũ, ngăn mặn cho vùng Đồng Tháp Mười.
Trên cơ sở các ý kiến đóng góp tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc tái cơ cấu nền nông nghiệp vùng ĐBSCL phải dựa trên nguyên lý phát huy tối đa tính thích ứng tự nhiên các sản phẩm nông nghiệp nhiệt đới. Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ, ngọt là một thế mạnh có tiềm năng mở rộng song phải tuân thủ nguyên tắc chủ động quản trị nguồn nước, không được khai thác nước ngầm (một nguyên nhân quan trọng gây ra sự sụt lún).
Yếu tố tổ chức sản xuất phải được thúc đẩy để doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ trang trại hình thành liên kết chặt chẽ trong tất cả các ngành hàng, các khâu sản xuất đến lưu thông.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các tỉnh kết hợp với các thành phần kinh tế có chương trình cụ thể trong 5 năm 2018 - 2023 giải quyết căn cốt giống tốt cho ba nhóm sản phẩm chính: Thủy sản, cây ăn quả, lúa gạo bằng các giống chủ lực.
Sửa nhanh Nghị định 210 để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp để trở thành lực lượng liên kết hạt nhân. Tập trung xây dựng các hợp tác xã kiểu mới cùng các trang trại lớn liên kết với doanh nghiệp hình thành sản xuất chuỗi ở các quy mô, cấp độ khác nhau.
Có văn bản quy định giữ nguyên 227.000ha rừng của các tỉnh trong vùng, đặc biệt là 63.000ha rừng ngập mặn, không được chuyển đổi dưới bất kỳ hình thức nào trừ nhiệm vụ an ninh, quốc phòng.
Với 41 điểm sạt lở nghiêm trọng bờ sông, bờ biển hiện nay, Chính phủ cần ưu tiên nguồn lực để xử lý khẩn cấp, không để xảy ra diễn biến nghiêm trọng hơn.
Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các bộ ngành xây dựng kế hoạch để ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu nhằm phát triển, đưa GDP bình quân đầu người lên 10.000 USD vào năm 2050.
Trong đó, riêng ngành nông nghiệp và thủy lợi phải xây dựng kế hoạch dựa trên thực tế nguồn nước ngày càng khan hiếm. Do đó đầu tiên phải chọn cây trồng ít sử dụng nước, giảm diện tích lúa, chọn các mô hình lúa - cá, lúa - tôm để giảm sử dụng nước.
Hướng tới xây dựng sản xuất nông nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao. Đặc biệt trong lĩnh vực này cần có doanh nghiệp tham gia từ đầu trong lựa chọn cây con sản xuất nông nghiệp vì họ nắm được thị trường.
Cần nghiên cứu chính sách đất đai, nới lỏng hạn điền, những quy định hiện nay không thích hợp thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Về tài chính, Thủ tướng yêu cầu cần nghiên cứu thành lập Quỹ phát triển Đồng bằng sông Cửu Long với nhiều nguồn lực và từ nay đến 2020 giải ngân ít nhất 1 tỉ USD làm hệ thống cống điều tiết ở Kiên Giang ngăn mặn xả ngập, ở An Giang điều tiết lũ.