Phát triển NNCN: Cần xác định công nghệ, bước đi phù hợp

Phát triển NNCN: Cần xác định công nghệ, bước đi phù hợp
Quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng; có chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao…

Là giải pháp được đưa ra tại Diễn đàn KN@NN “Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Đà Nẵng tổ chức.

Hướng đi tất yếu

Nông nghiệp công nghệ cao là tích hợp của nhiều công nghệ tiên tiến để tạo ra sự đột phá về năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí công lao động nên hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hóa lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị và phát triển bền vững. Do vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi tất yếu, phù hợp với xu thế sản xuất nông nghiệp thế giới và điều kiện ở nước ta.

Hiện nay, đã có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho hiệu quả kinh tế cao ở nhiều vùng trong cả nước nói chung và ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng.

Tại Đà Nẵng, một số mô hình sản xuất ứng dụng nhà màng, nhà lưới trồng rau, hoa bước đầu cho thấy cách làm mang tính công nghiệp trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Điển hình như mô hình trồng rau thủy canh trong nhà màng của ông Nguyễn Mạnh Thắng ở xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Ông Thắng cho biết, cuối năm 2016, ông đầu tư hơn 2 tỷ đồng lắp đặt nhà màng, thiết bị phun sương để trồng rau sạch theo mô hình công nghệ cao. Ông được thành phố hỗ trợ 50% nguồn vốn đầu tư ban đầu. Hiện, ông đang trồng các loại rau như: cải cay, cải ngọt, rau muống, xà lách, khổ qua (mướp đắng), dưa leo,... Bình quân mỗi ngày, vườn rau của gia đình ông cung ứng cho người tiêu dùng tại TP. Đà Nẵng khoảng 200kg rau, củ, quả các loại.

Mô hình sản xuất hoa treo, hoa thảm trang trí cảnh quan của anh Nguyễn Ngọc Chương, tại thôn Đông Sơn (Hòa Ninh - Hòa Vang), với diện tích khoảng 800m2 sản xuất các loại hoa mới, hoa cao cấp như dạ yến thảo, cúc sao băng, thu hải đường, đồng tiền mini, dừa cạn, hoa cẩm chướng... Hàng năm, cung ứng ra thị trường khoảng 24.000 chậu hoa các loại, doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.

Anh Chương cho biết, trồng hoa trong nhà màng, tưới bằng công nghệ nhỏ giọt cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với xu hướng nông nghiệp đô thị.

Mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau quả gắn với xây dựng chuỗi liên kết tại thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với sản xuất đại trà. Kết quả sau hơn 3 tháng đưa vào sản xuất thử nghiệm trên các đối tượng rau cải lứa, cải con và xà lách, thu nhập tăng từ 36- 48 triệu đồng/sào/năm (720-960 triệu đồng/ha), giúp các hộ dân nhanh chóng thu hồi vốn để tái mở rộng sản xuất.

Bên cạnh đó, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đã và đang hình thành các mô hình chăn nuôi áp dụng công nghệ cao, điển hình như: chăn nuôi lợn thịt theo công nghệ chuồng lạnh khép kín, áp dụng đồng bộ các công nghệ về kiểu chuồng lồng cho từng loại lợn, trang bị hệ thống làm mát điều khiển nhiệt độ nuôi trong chuồng ổn định, hệ thống máng ăn, máng uống tự động, hệ thống xử lý chất thải bằng công nghệ biogas...

Những “rào cản”

Bên cạnh nhiều mô hình thành công, ở một số địa phương hiện nay, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa đạt như mong đợi do nhiều nguyên nhân: hạn chế công nghệ về giống, quy trình canh tác, đối tượng cây - con áp dụng, chọn công nghệ chưa phù hợp, chưa kết nối sản xuất với thị trường và xây dựng thương hiệu sản phẩm…

gđ-ttknqg-trần-văn-khởi-trao-đổi-cùng-gđ-ttknnl-đà-nẵng-đặng-văn-hồng-về-mô-hình-sản-xuất-hoa-treo.jpg
Quyền GĐ TTKNQG TS. Trần Văn Khởi trao đổi cùng GĐ TTKNNL Đà Nẵng Đặng Văn Hồng về mô hình sản xuất hoa treo.

Theo ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tại thành phố mới tập trung vào việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật về giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; ứng dụng công nghệ thông tin, tự động hoá sản xuất, công nghệ sinh học, các quy trình canh tác tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp để sản xuất ra các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm còn ít. Đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều, các mô hình ứng dụng thiếu bền vững, chưa bảo đảm tính khoa học dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không ổn định, chưa đáp ứng yêu cầu thị trường đô thị.

Thời gian qua, Đà Nẵng đã rất nỗ lực trong việc đưa ra các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhằm khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tuy nhiên, việc tiếp cận các chính sách vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là tiếp cận đất đai để đầu tư dự án. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn và là lĩnh vực có nhiều rủi ro nên việc thu hút đầu tư còn hạn chế. Tình trạng sản xuất manh mún, phân tán ở nông hộ, cũng như trình độ tiếp nhận khoa học công nghệ của người dân còn hạn chế đã cản trở việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Cần xác định công nghệ phù hợp

Ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT TP. Đà Nẵng, cho biết: Thành phố đã quy hoạch hơn 500ha dành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đó, thành phố kêu gọi đầu tư vào trồng rau, hoa, nấm, cây dược liệu, chăn nuôi khép kín. Bước đầu đã có 7 nhà đầu tư triển khai các dự án.

Đối với Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thành phố đã hoàn thành xong công tác quy hoạch, chọn địa điểm, hiện đang triển khai lập đề án trình phê duyệt và thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích 117ha, tại xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang.

Phát biểu tại Diễn đàn, TS. Trần Văn Khởi, quyền Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, nhận định: “Vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có điều kiện đất đai, khí hậu khó khăn cho sản xuất nông nghiệp hơn so với vùng khác, chịu tác động sớm và nhạy cảm với tác động của biến đổi khí hậu (nước biển dâng, nắng hạn, úng lụt, bão lốc...). Trong khi khu đô thị, khu công nghiệp phát triển, dân số tăng nhanh, nhu cầu nông sản đa dạng về chủng loại, tăng về khối lượng và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao, phần lớn nông sản cần ưu tiên được sản xuất tại chỗ trong vùng. Vì thế, con đường phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho vùng là tất yếu và trở nên cấp thiết hơn. Vấn đề đặt ra là, xác định công nghệ phù hợp và có bước đi phù hợp cho sản xuất của từng vùng, từng địa phương”.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, các địa phương khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ cần phải quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng vùng và có chính sách ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng thời, lựa chọn công nghệ áp dụng phù hợp cho từng vùng, từng giai đoạn, từng loại sản phẩm (đối tượng cây trồng, con nuôi) để đạt tính khả thi và hiệu quả kinh tế cao, khuyến cáo cho sản xuất đại trà. Thúc đẩy mối liên kết sản xuất, đặc biệt liên kết giữa nông dân/hợp tác xã với các nhà khoa học và doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Mặt khác, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ cho phát triển sản xuất, đặc biệt là chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng; chính sách tín dụng vốn vay cho người sản xuất, chính sách đào tạo nguồn nhân lực cũng như đào tạo nghề nông nghiệp.

Theo Đỗ Tuấn - Ánh Tuyết/Báo KTNT.vn