Phát triển chuỗi rau an toàn

Phát triển chuỗi rau an toàn
Bộ NN-PTNT và UBND TP Hà Nội vừa tiến hành sơ kết đề án phát triển chuỗi rau, thịt an toàn cho Hà Nội được khởi động từ năm 2016 với những kết quả rõ nét trong việc thiết lập hệ thống quản lý, trao đổi, giám sát rau an toàn (RAT).

 

15-45-41_dsc_0092
Ngành nông nghiệp Hà Nội từng bước thiết lập được các chuỗi rau an toàn
 

Theo Sở NN-PTNT Hà Nội, 9 tháng đầu năm 2016 đã kiểm soát các nông sản, thực phẩm qua chương trình kết nối tiêu thụ vào Hà Nội như: Chuỗi rau SX theo tiêu chuẩn VietGAP của tỉnh Hòa Bình, Sơn La với hệ thống cửa hàng, siêu thị Biggreen, Fivimart. Đến nay, các chuỗi vẫn duy trì và không ngừng phát triển về số lượng tiêu thụ sản phẩm cũng như mở rộng các chủng loại hàng hóa.

Chi cục BVTV Hà Nội có sự hợp tác chặt chẽ với 3 Chi cục BVTV tỉnh Lào Cai, Vĩnh Phúc và Sơn La bằng việc ký thỏa thuận phối hợp về SX và tiêu thụ RAT.

Trong đó, phối hợp với Chi cục BVTV Lào Cai thống nhất chọn sản phẩm rau bản địa, gồm rau khởi tử, rau cải mèo, rau bò khai, rau cải bắp xòe, khoai sọ chân chó, su su, tương ớt, cải bắp, cà chua, cải thảo của 4 cơ sở cung cấp cho Hà Nội.

Chi cục BVTV Vĩnh Phúc chọn sản phẩm rau quả su su, mướp, bầu… của 3 cơ sở để cung cấp cho thị trường Hà Nội. Chi cục BVTV Sơn La chọn sản phẩm rau gồm quả su su, ngọn su su và cà chua của HTX 19/5, thị trấn Mộc Châu để cung cấp cho Hà Nội.

Hiện các Chi cục BVTV Lào Cai, Sơn La và Vĩnh Phúc đang tập trung quản lý chỉ đạo SX tại các vùng từ đó cung cấp các sản phẩm RAT đảm bảo chất lượng cho Hà Nội. 

Ngoài ra, Chi cục BVTV Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong Ban Điều phối thường xuyên phối hợp trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý thuốc BVTV, cấp chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong SX rau, củ quả…

Cụ thể, Sơn La đưa về tiêu thụ tại Hà Nội 770 tấn RAT; Thái Nguyên cung cấp trên 20.000 tấn rau/năm; Hòa Bình cung cấp 900 tấn/năm rau hữu cơ và rau su su.

15-45-41_dsc_0148
Ngành nông nghiệp Hà Nội từng bước thiết lập được các chuỗi rau an toàn
 

Hà Nội đã hình thành được các chuỗi tiêu thụ rau hoạt động hiệu quả cung cấp cho Hà Nội và các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố lân cận như: Chuỗi tiêu thụ rau hữu cơ của Tâm Đạt, Home foor, Nông sản ngon, VinaGAP, Đông Nam Á và Aki Việt Nam.

Tuy nhiên, theo Sở NN-PTNT Hà Nội, việc mở rộng hợp tác trong quản lý SX, tiêu thụ RAT gặp khó khăn do số doanh nghiệp kinh doanh RAT ít, các cơ sở SX của các tỉnh mà Chi cục BVTV Hà Nội đã ký thỏa thuận chưa có bao bì, tem nhãn nhận diện để truy xuất nguồn gốc, chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng thương mại phục vụ việc phân phối rau tại địa bàn thành phố Hà Nội. 

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT Hà Nội kiến nghị Bộ NN-PTNT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành một bộ tiêu chí chuẩn chất lượng an toàn (Bộ tiêu chuẩn hợp quy) để các tổ chức, cá nhân căn cứ tổ chức SX theo tiêu chuẩn được công bố và tự chịu trách nhiệm pháp lý trước pháp luật để đảm bảo tính chủ động và giảm thiểu tối đa chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm nông sản Việt trên thị trường.

Sớm đưa tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm là một tiêu chí cơ bản trong việc xây dựng và công nhận các xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc SX và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành cơ chế chính sách đặc thù để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách hỗ trợ vùng SX, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản để tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa có hàm lượng tri thức cao, đặc sản vùng miền đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế.

Các chính sách phải được tập trung đều ở các khâu SX, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khích lệ doanh nghiệp tham gia nhiều hơn.

 

Theo Nguyễn Huân/nongnghiep.vn