Phát triển đàn ong hướng hàng hóa

Nuôi ong khai thác mật là một nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang. Ngoài những cây trồng và vật nuôi thế mạnh, nghề nuôi ong lấy mật đã mang lại nguồn thu nhập lớn, góp phần cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn của tỉnh.


Chuyên gia của Cục Chăn nuôi tham quan mô hình nuôi ong mật bạc hà tại huyện Quản Bạ, Hà Giang
  

Xác định được thế mạnh từ nghề nuôi ong lấy mật, tỉnh Hà Giang đã ưu tiên tập trung phát triển đàn ong giai đoạn 2016 - 2020. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 của tỉnh Hà Giang đã xác định: Tập trung phát triển cây trồng mũi nhọn như cam, chè, cây dược liệu và đẩy mạnh chăn nuôi trâu, bò và phát triển đàn ong theo hướng hàng hóa. Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã đề ra các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hộ chăn nuôi ong trên địa bàn của tỉnh. Từ những chính sách hỗ trợ, nghề nuôi ong của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang dần chuyển từ hình thức chăn nuôi tự phát, nhỏ lẻ sang nuôi ong tập trung với quy mô lớn; từ đó đã hình thành các doanh nghiệp, các HTX phát triển nuôi ong khai thác mật; điển hình như: HTX Tuấn Dũng, HTX Hoàng Điệp (huyện Mèo Vạc), Công ty TNHH Trường Anh, HTX Thành Đô (huyện Đồng Văn)… với nguồn thu nhập từ 650 triệu đồng đến 1,6 tỷ đồng mỗi năm từ mật ong bạc hà. 

Cũng nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh, số lượng đàn ong Hà Giang không ngừng được mở rộng; nếu như năm 2011, tổng số đàn ong của Hà Giang là 19.318 đàn, thì đến cuối năm 2017 toàn tỉnh đã có 33.862 đàn và sản lượng mật ước đạt 146,8 tấn; riêng 4 huyện cao nguyên đá (Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh và Quản Bạ) có 23.976 đàn (chiếm 70,8 % tổng số đàn ong của tỉnh) và sản lượng mật đạt gần 97,48 tấn (chiếm 66,4% sản lượng mật ong toàn tỉnh). Trong năm 2013, sản phẩm mật ong bạc hà đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm mật ong bạc hà huyện Mèo Vạc. 

Nhằm tiếp tục mở rộng phát triển đàn ong, trong giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã đề ra các chính sách ưu tiên nhằm hỗ trợ để người dân tiếp tục mở rộng quy mô phát triển đàn; cụ thể, tại Nghị quyết số 209/2015/NQ - HĐND của HĐND tỉnh Hà Giang ngày 10/12/2015 về các Chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển những loại cây trồng và vật nuôi chủ lực của tỉnh, Nghị quyết nêu rõ: “Hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho các tổ chức, cá nhân mua giống ong nội, quy mô từ 20 đàn trở lên. Mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 1 triệu đồng/tổ ong, thời gian hỗ trợ là 24 tháng”…. Ngoài ra, tỉnh còn đề ra các chính sách ưu tiên khác như chỉ đạo người dân chuyển đổi các diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây hoa bạc hà nhằm tăng cường nguồn phấn hoa cho đàn ong mật; đề nghị các cơ quan có thẩm quyền Trung ương giúp tỉnh xác định số lượng và quy mô đàn ong trên mỗi ha cây hoa bạc hà; kiến nghị Bộ NN&PTNT giúp tỉnh Hà Giang xây dựng quy trình bảo tồn giống ong nội của địa phương và quy trình trồng, chăm sóc, nhân giống cây hoa bạc hà trên vùng cao nguyên đá… 

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Phát triển nghề nuôi ong lấy mật, nhất là nuôi ong lấy mật hoa bạc hà tại 4 huyện Cao nguyên đá là một trong những sản phẩm chủ đạo trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ triển khai công tác bảo tồn giống ong nội địa phương nhằm đảm bảo chất lượng mật tốt nhất. Trong thời gian tới tỉnh sẽ có các chính sách nhằm nâng cao tay nghề về kỹ thuật chăn nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn ong cho các hộ nông dân nuôi ong trên địa bàn của tỉnh, nhất là những hộ nuôi ong tại 4 huyện cao nguyên đá. 

Theo UBND huyện Đồng Văn, tính đến cuối năm 2017, toàn huyện đã có khoảng 5.500 đàn ong, sản lượng mật thu được đạt trên 19,5 nghìn lít và doanh thu đạt khoảng 7,5 tỷ đồng.

 

 

Phạm Văn Phú

(Chi cục Trồng trọt & Bảo vệ Thực vật Hà Giang)

Nguồn: nguoichannuoi.com