Phát triển kinh tế dựa vào rừng và đất rừng gắn với xây dựng NTM

Phát triển kinh tế dựa vào rừng và đất rừng gắn với xây dựng NTM
Để khai thác tối đa lợi thế của huyện miền núi biên giới phía Tây Bắc Hà Tĩnh, Hương Sơn đang bám rừng “vàng” để phát triển chăn nuôi tập trung và cây ăn quả có múi - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn Nguyễn Quang Thọ chia sẻ với NNVN như vậy.
07-34-39_1
Ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn

Ông Thọ cũng cho biết, đây là giải pháp trọng tâm, xuyên suốt huyện tập trung thực hiện để tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững.  

Ưu tiên chăn nuôi, trồng rừng và cây ăn quả

Triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, địa phương tập trung vào những trọng tâm nào, thưa ông?

Hương Sơn có tổng diện tích tự trên 109.679 ha, trong đó rừng và đất rừng 84.617ha (chiếm 77%); đất sản xuất nông nghiệp 16.625 ha (chiếm 15%). Đây là lợi thế để chúng tôi chỉ đạo 80% dân số là nông dân phát triển sản xuất, “xóa đói giảm nghèo”, vươn lên khá giả, thậm chí làm giàu trên chính đồng đất quê hương mình.

Từ nay đến 2020, định hướng đến 2025 huyện Hương Sơn sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực, tận dụng tối đa lợi thế về đất rừng và nguồn nhân lực để tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững.

Cụ thể, chuyển đổi khoảng 2.000ha đất lúa, 500ha đất màu sang trồng cây thức ăn chăn nuôi để mở rộng quy mô đàn gia súc. Đến năm 2020, diện tích lúa còn 3.500ha; cây màu (không tính diện tích thức ăn chăn nuôi) còn 3.300ha; diện tích chuyên canh thức ăn chăn nuôi (ngô, cỏ) 3.100ha.

Ưu tiên phát triển các cây trồng chủ lực có lợi thế nhất là cây ăn quả có múi (cam chanh, cam bù, quýt, bưởi), mỗi năm trồng mới 500 - 600ha, đến năm 2020 diện tích đạt 4.500ha; sản lượng 54.800 tấn; giá trị sản xuất đạt 1.596 tỷ đồng.

07-34-39_3
Một mô hình trồng cam trong màn ở Hương Sơn

Mỗi năm trồng mới 50 - 70ha chè công nghiệp, dự kiến đến năm 2020 diện tích chè đạt 820ha, trong đó diện tích kinh doanh 650 ha; sản lượng 12.750 tấn; giá trị sản xuất đạt 90 tỷ đồng.

Đối với cây lâm nghiệp, khai thác, sử dụng có hiệu quả đất rừng sản xuất là rừng trồng và đất chưa có rừng. Mỗi năm trồng mới 1.000ha, đến năm 2020 ổn định diện tích rừng trồng nguyên liệu 12.000ha, trong đó rừng gỗ lớn 3.000ha; sản lượng khai thác bình quân hàng năm 81.600 m3, giá trị sản xuất 160 tỷ đồng.

Khuyến khích phát triển lâm nghiệp đa chức năng, xây dựng các mô hình rừng sinh thái gắn với phát triển du lịch. Điểm nhấn trong tương lai là khu du lịch sinh thái Rào Àn, khu du lịch Nước Sốt (xã Sơn Kim 1); khu du lịch Hải Thượng Lãn Ông (thị trấn Phố Châu)...

Với chăn nuôi, chú trọng phát triển các đối tượng chủ lực, có lợi thế như: huơu sao, bò; tiếp tục phát triển đàn vật nuôi truyền thống như gà, dê, nuôi ong lấy mật nhằm khai thác có hiệu quả nguồn thức ăn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, liên kết với doanh nghiệp theo chuỗi giá trị từ giống, thức ăn đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm để nâng cao năng suất, giảm chi phí, tăng hiệu quả và giá trị gia tăng, gắn với thị trường tiêu thụ.

Đàn bò tăng trưởng bình quân hàng năm 10%, đến năm 2020 đạt 50.000 con; ổn định quy mô đàn bò sữa tại Trang trại Vinamilk khoảng 2.000 - 2.500 con; mở rộng kiên kết chăn nuôi bò sữa với các hộ dân quy mô 5 con trở lên. Đàn hươu tăng trưởng bình quân mỗi năm 15,4%, đến năm 2020 đạt 50.000 con; sản lượng nhung 25,4 tấn; giá trị sản xuất khoảng 330 tỷ đồng...

07-34-39_6
Huơu sao là một trong những sản phẩm chủ lực của Hương Sơn

Hương Sơn là huyện biên giới duy nhất của Hà Tĩnh có đặt cửa khẩu với Lào. Khoảng chục năm về trước dân nơi đây có “của ăn của để” nhờ hoạt động kinh doanh xuyên quốc gia nhưng gần đây lại ảm đạm. Vậy để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân, huyện đã xây dựng chiến lược như thế nào?

Thời điểm cao nhất, khu kinh tế (KKT) Cầu Treo có trên 200 doanh nghiệp hoạt động nhưng nay chỉ còn 130 doanh nghiệp. Tỷ lệ hoạt động hiệu quả trong số đó chỉ đếm được trên đầu ngón tay, thậm chí thị trấn Tây Sơn - nơi vốn được coi là trung tâm KKT cũng ảm đạm, héo mòn vì hoạt động buôn bán, du khách qua lại trong khu vực giảm mạnh.

Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ từng là “đại gia phố núi” những năm gần đây cũng chết dần chết mòn vì phía nước Lào thực hiện chính sách đóng cửa rừng. Gỗ của một số doanh nghiệp mắc kẹt bên kia không nhập về được, số khác thua lỗ be bét do giá gỗ trắc rớt thê thảm.

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, hoạt động kinh doanh bị “đóng băng”, huyện Hương Sơn đã và đang dựa vào sản xuất nông nghiệp để giữ ổn định tốc độ tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Còn chiến lược thì như tôi đã nói ở trên, trọng tâm vẫn là chăn nuôi, trồng rừng và cây ăn quả. Tất nhiên, để phát triển bền vững ngoài nỗ lực của đảng bộ, nhân dân toàn huyện thì rất cần sự hỗ trợ về định hướng, chính sách của Trung ương, tỉnh và sự quan tâm đầu tư của doanh nghiệp.  

Phấn đấu 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu

Còn phong trào xây dựng NTM, hiện đã đi đến đâu rồi?

Sau hơn 6 năm thực hiện chương trình, bây giờ bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét. Từ trung tâm thị trấn đến ngóc ngách mọi ngả đường nông thôn, đâu đâu cũng bắt gặp pa nô, khẩu hiệu tuyên truyền về xây dựng NTM. Không phải làm “màu” hay hô khẩu hiệu, các nhà báo cứ về xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Bằng... mục sở thị sẽ hiểu vì sao tôi tự tin nói như vậy.

6 năm chưa dài nhưng người dân đã cơ bản thấm nhuần mục đích, cách làm của chương trình này. Họ tự nguyện đập bỏ hàng trăm mét hàng rào bê tông để trồng hàng rào xanh; làm đường giao thông, mương thoát nước; ngày này qua ngày khác gác việc nhà để làm vệ sinh môi trường trong thôn xóm, thậm chí cán bộ thôn bỏ tiền túi lặn lội vào tận miền Nam huy động doanh nghiệp là con em xa quê đóng góp tiền về làm nhà văn hóa thôn...

Nhờ tinh thần “dám nghĩ dám làm” đó mà năm 2014 xã biên giới đầu tiên của cả nước (Sơn Kim 1) được công nhận đạt chuẩn NTM. Nhiều khu dân cư được tỉnh chọn xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Về kết quả chung, đến thời điểm này, toàn huyện đã có 8 xã đạt chuẩn NTM; số tiêu chí đạt được bình quân tăng từ 3,6 tiêu chí (năm 2011) lên 13,3 tiêu chí (năm 2016) và không còn xã dưới 10 tiêu chí, tính đến cuối năm 2016.

Chủ tịch sẽ chỉ đạo thế nào để các xã nâng cao mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí, đặc biệt là tiêu chí thu nhập?

Hiện nay ngân sách Trung ương, tỉnh hỗ trợ các địa phương thực hiện chương trình NTM rất hạn chế. Như năm 2017, tỉnh chưa có nguồn hỗ trợ (trừ danh sách xã đăng ký về đích theo quyết định của UBND tỉnh), ngân sách huyện thì khó khăn nên việc giúp đỡ các xã hoàn thành các tiêu chí để đạt chuẩn cực kỳ nan giải, chứ chưa nói đến nâng mức độ đạt chuẩn của các tiêu chí. Chung quy lại, muốn NTM đạt chuẩn bền vững cần có tiền và sự đồng thuận của người dân.

Căn cứ mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 (có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu), sắp tới Hương Sơn sẽ tiếp tục tạo điều kiện về quỹ đất, các hồ sơ thủ tục hành chính; lồng ghép chính sách về dự án, hỗ trợ lãi suất khuyến khích bà con phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Đây chính là nguồn nội lực đóng góp rất lớn để thực hiện thành công Chương trình.

Song song với đó sẽ phân nhóm tiêu chí, nhóm xã để cử cán bộ “cầm tay chỉ việc”, đảm bảo giữ vững các tiêu chí đã đạt và tăng mức độ đạt chuẩn các tiêu chí. Đồng thời, đánh giá lại 4 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể giai đoạn 2017-2020, ưu tiên sản xuất các sản phẩm có lợi thế, dư địa về thị trường tiêu thụ như chăn nuôi hươu, cam, chè, gỗ, cây dược liệu...

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Nga/Báo Nông Nghiệp.vn