Phát triển kinh tế trang trại, hướng làm giàu bền vững ở Anh Sơn
- Thứ ba - 03/10/2017 23:36
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Theo chân cán bộ xã Khai Sơn, chúng tôi có dịp “mục sở thị” trang trại chăn nuôi vườn rừng kết hợp của gia đình bà Lê Thị Liên ở thôn 8. Bắt tay vào phát triển kinh tế, xây dựng trang trại từ năm 2012, sau những năm đầu còn nhiều khó khăn do thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn đầu tư cơ sở vật chất, với sự nỗ lực, kiên trì, bà Liên cùng gia đình xây dựng thành công mô hình trên diện tích 7ha. Hiện, trang trại của bà có khoảng 200 con gà thịt, 10 con bò, 30 con dê cùng với đó là 3ha keo, 1ha rễ hương, 1ha sắn. Trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí gia đình bà còn thu lãi từ 200 - 250 triệu đồng.
Trang trại của bà Lê Thị Liên mỗi năm thu lãi từ 200-250 triệu đồng.
Cũng như bà Liên, gia trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình chị Nguyễn Thị Lý ở thôn 8, xã Khai Sơn được bố trí hợp lý. Để chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao, sau khi tham quan một số trang trại chăn nuôi tổng hợp, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, chị Lý đã cải tạo, đầu tư gần 2 ha đất thầu để phát triển chăn nuôi lợn, gà, bò kết hợp với trồng keo tràm. Hàng năm, mô hình này cho thu nhập từ 100 - 150 triệu đồng.
Anh Hồ Anh Thái, Phó chủ tịch UBND xã Khai Sơn cho biết: Để khuyến khích người dân tích cực phát triển các mô hình kinh tế, bên cạnh việc tổ chức các đợt tham quan để bà con học hỏi kinh nghiệm xây dựng mô hình trang trại, xã còn thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật; đồng thời xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện về quỹ đất, vốn vay cho nông dân. Đến nay, toàn xã Khai Sơn đã có 3 mô hình trang trại cho thu nhập từ 500 triệu đồng trở lên, 13 gia trại cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Toàn huyện Anh Sơn hiện nay có 21 trang trại đạt chuẩn.
Trong quá trình sản xuất, một số trang trại chăn nuôi lớn trên địa bàn huyện Anh Sơn đã liên kết với doanh nghiệp về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ mối liên kết bền vững nên hằng năm sau khi trừ chi phí nhiều trang trại có lợi nhuận trung bình từ 300 - 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 - 5 lao động. Ông Nguyễn Đình Đăng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Anh Sơn cho biết: Hiện, toàn huyện có 21 trang trại đạt chuẩn trong đó có 9 trang trại chăn nuôi cho thu nhập mỗi năm trên 1 tỷ đồng và 12 trang trại tổng hợp cho thu nhập trên 700 triệu đồng tập trung ở các xã như: Cẩm Sơn, Đỉnh Sơn, Khai Sơn và hàng trăm gia trại lớn nhỏ ở 21 xã thị.
Đồng hành cùng các chủ trang trại, gia trại, năm 2016, UBND huyện Anh Sơn đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển loại hình kinh tế quan trọng này. Trong đó hỗ trợ trang trại có đủ điều kiện được cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận 20 triệu đồng/trang trại. Hỗ trợ các xã thị phát triển khu chăn nuôi tập trung có diện tích từ 05 ha trở lên được chuyển đổi từ đất sản xuất kém hiệu quả, mỗi khu 30 triệu đồng....
Để phát triển mô hình kinh tế quan trọng này huyện Anh Sơn đã ban hành các cơ chế hỗ trợ
Sự phát triển của kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn huyện Anh Sơn trong thời gian qua đã góp phần khai thác thêm nguồn vốn trong dân, mở mang thêm diện tích đất trống đồi núi trọc, đất hoang hoá, nhất là ở các xã miền núi. Đặc biệt, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp từ sản xuất nhỏ lẻ, tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá tập trung với quy mô lớn gắn với thị trường tiêu thụ, mở ra hướng làm giàu bền vững cho bà con nông dân.
Theo Đình Lam-Anh Tuấn/BáoKTNN.vn