Phát triển kinh tế từ nghề trồng nấm
- Thứ bảy - 23/12/2017 02:47
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Để đạt năng suất và có nấm đẹp cung cấp ra thị trường với giá bán ổn định, bà con cần tìm nguồn cung cấp phôi giống chất lượng cùng việc tuân thủ kỹ thuật chăm sóc. Tuy chỉ mới chuyển qua nghiên cứu, cung cấp phôi giống trong 3 năm gần đây, cơ sở của ông Huỳnh Minh Kiểng (xã Bình Hòa, Châu Thành) được nhiều bà con trồng nấm tin tưởng vì đạt chất lượng. Với nền cơ sở sản xuất lò gạch cũ sẵn có, ông Kiểng tận dụng để chứa phôi nấm, cung cấp cho nhiều ND trong và ngoài tỉnh. “Lúc khởi sự, mặc dù có tham khảo ý kiến của các kỹ sư nhưng thất bại nhiều lần. Tuy nhiên, nhờ những thất bại đó, hiện nay trở thành kinh nghiệm quý để tạo ra sản phẩm chất lượng” - ông Kiểng giải thích.
Đối với ông Kiểng, điều quan trọng với người làm kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp là phải uy tín, đảm bảo chất lượng và có giá cả ưu đãi cho người ND. “Khi phôi nấm tốt, kết hợp với kỹ thuật chăm sóc của bà con thì chắc ăn đạt năng suất. Chính vì vậy, mình sản xuất phôi nấm phải đạt chất lượng, lựa chọn những nguyên liệu tốt, tuy lời ít nhưng được số lượng nhiều. Bà con làm ăn được thì họ mới nhớ tới mình, đợt này xong họ lại đặt hàng đợt khác”- ông Kiểng chia sẻ. Năm 2017, ông Kiểng cung cấp ra thị trường khoảng 200.000 bịch phôi nấm các loại. Để đảm bảo chất lượng phôi, ông Kiểng tự mình kiểm tra tất cả các khâu. Đầu tiên là phải chọn 100% bộ gỗ từ cây cao su, các khâu từ ủ bã, vô bịch, hấp, vô meo... Mỗi công đoạn đều được giám sát kỹ càng, đặc biệt khâu vô meo nấm được làm trong phòng kín, vô trùng bằng tia cực tím. Ngoài ra, phải thường xuyên vệ sinh để đảm bảo meo nấm được phát triển trong môi trường sạch, không nhiễm bệnh.
Vừa làm phôi nấm, ông Kiểng còn làm trại để treo và thu hoạch nấm thành phẩm. “Làm trại nấm sẽ giúp mình theo dõi được chi tiết quá trình phát triển đầy đủ phôi nấm do chính cơ sở nghiên cứu. Đó là những kinh nghiệm giúp mình cải tiến năng suất nấm trên từng bịch phôi, như vậy sẽ cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng. Đồng thời, những trại nấm thành phẩm sẽ là mô hình mẫu thực tế để bà con đến tham quan, đây là nơi chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc sao cho đạt kết quả tốt nhất” - ông Kiểng nhấn mạnh. Hiện nay, mỗi tuần cơ sở của ông Kiểng cung cấp trên 4.000 bịch phôi giống các loại ra thị trường. Bên cạnh việc cung cấp phôi, chia sẻ kinh nghiệm trồng nấm, ông Kiểng còn thu mua nấm cho bà con nên được mọi người tin tưởng, đặt hàng. “Trước đây còn làm mẫu cho bà con tới tham quan, đặt hàng, giờ bà con làm nhiều mà mình làm nữa thì đụng chợ. Giờ chỉ tập trung nghiên cứu phôi, treo vài ngàn phôi nấm linh chi vì dòng này nặng và nhốt vốn lâu nên bà con ít làm”- ông Kiểng giải thích.
Bắt đầu với mô hình trồng nấm đến nay đã trên 7 năm, chú Nguyễn Văn Sinh (ấp Bình An 1, xã An Hòa, Châu Thành) tìm nguồn phôi nấm chất lượng từ nhiều nơi, cả trong và ngoài tỉnh. Theo chú Sinh, người trồng nấm nắm kỹ thuật là một, nhưng quan trọng không kém là phải tìm được nguồn phôi nấm chất lượng, mới mong có năng suất, nấm đẹp bán có giá. Đợt rồi, đặt 2.000 bịch phôi từ cơ sở của chú Kiểng, nấm phát triển tốt, năng suất đạt từ 300-400 gr/bịch phôi, có khi hơn. “Nếu coi là nghề phụ thì làm nấm khỏe hơn các nghề khác nhiều. mình cứ làm rồi sẽ có kinh nghiệm nhưng phải tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật, thấy trại nào làm nấm có chất lượng thì đến tận nơi để tham khảo. Mỗi năm, có thể trồng từ 2-3 vụ, với giá bán nấm dao động từ 30.000-40.000 đồng/kg, cho thu nhập ổn định. Hết đợt này thì đặt hàng đợt phôi khác về treo tiếp, tới lúc thu hoạch thì có mối đến tận nơi để thu mua, bà con mình cũng khỏe” - chú Sinh chia sẻ.