Phát triển mắc ca - thêm một góc nhìn

Phát triển mắc ca - thêm một góc nhìn
Trước nhu cầu phát triển mắc ca vừa là cây trồng chiến lược, vừa là cây che bóng cho chè, cà phê ngày càng tăng, ngành nông nghiệp Lâm Đồng đang đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, đồng thời rà soát, đánh giá tìm ra biện pháp canh tác thích hợp cho các loại giống tương ứng để kịp thời khuyến cáo nông dân trên địa bàn.

Hàng năm, 4 doanh nghiệp và cơ sở ở Lâm Đồng đã thu mua trên 80 tấn quả mắc ca tươi của nông dân để chế biến.

Lợi nhuận cao hơn 18% so với cà phê

Khảo sát mới đây của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT & BVTV) Lâm Đồng cho thấy: Từ năm 2006 đến nay, nhiều thử nghiệm sản xuất cây mắc ca đã được triển khai theo từng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu ở một số vùng cây công nghiệp của tỉnh Lâm Đồng, chủ yếu trồng xen kết hợp che bóng trong các vườn cà phê, chè với diện tích hơn 1.170ha. Riêng diện tích trồng thuần hơn 88ha thì có 50ha của Công ty Ánh Sáng Vinh Hòa trồng tại xã Tà Nung (Đà Lạt); còn lại phân bổ ở địa bàn các huyện Đơn Dương, Lâm Hà…

Cụ thể, phân chia theo độ tuổi, mắc ca hiện nay ở Lâm Đồng gồm: Diện tích đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản dưới 5 năm tuổi hơn 1.130ha; từ 5-7 năm tuổi 123ha, hiện đang cho thu hoạch năng suất bình quân đạt 1,45 tấn/ha; hơn 7 năm tuổi có 6,5ha, đã cho thu hoạch ổn định với năng suất 2,5 tấn/ha.

Với 4 doanh nghiệp và cơ sở hiện có ở Lâm Đồng, hàng năm các đơn vị đã thu mua trên 80 tấn quả mắc ca tươi từ các hộ để sơ chế, chế biến. Trong năm vừa qua, giá thu mua mắc ca ở Lâm Đồng khá cao, quả tươi 40.000 - 70.000 đồng/kg; hạt khô 80.000 - 120.000 đồng/kg; hạt đã chế biến còn vỏ 270.000 - 300.000 đồng/kg. Hạch toán giai đoạn kinh doanh ổn định cây mắc ca đạt năng suất bình quân 2,5 tấn/ha thì doanh thu đạt 100 - 175 triệu đồng/ha, trừ chi phí, còn lãi 80-155 triệu đồng/ha.

Với cây cà phê vối mỗi năm  đầu tư 50 triệu đồng/ha, năng suất bình quân 3 tấn/ha. Với giá bán 40.000 - 45.000 đồng/kg, sau khi trừ vốn đầu tư, lợi nhuận đạt 70-85 triệu đồng/ha. So sánh trên cùng 1ha thì cây cà phê vối ghép đạt lợi nhuận thấp hơn cây mắc ca trồng xen khoảng 11-18%. 

Cần mô hình thử nghiệm trồng mắc ca che bóng

Cũng qua rà soát của Chi cục TT & BVTV Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện đang sản xuất 18 dòng, giống mắc ca. Trong đó, có 10 giống gồm OC, 246, 816, 849, 695, 900, 800, 741, 842 và Daddow đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận giống tiến bộ kỹ thuật và giống quốc gia. Còn lại 8 dòng, giống do người dân tự phát mua về trồng là QN1, 788, A38, A4, 344, H2, 508, A16.

Trong tháng 3/2017, Sở Nông nghiệp và PTNT Lâm Đồng đã công nhận vườn cây đầu dòng mắc ca đầu tiên tại Lâm Đồng cho Công ty TNHH Him Lam Mắc Ca với 131 cây thuộc các dòng OC; 246; 695; 741; 800; 816; 849, năng lực sản xuất đạt 52.400 mầm chồi/năm. Và tính đến tháng 5/2017, toàn tỉnh Lâm Đồng có 8 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống mắc ca với khoảng 100.000 cây thực sinh dùng làm gốc ghép và hơn 750.000 cây giống ghép đạt yêu cầu cho nông dân xuống giống trồng mới.

Chi cục TT & BVTV Lâm Đồng nhận định: Một số diện tích mắc ca năm thứ 5, thứ 6 chưa cho quả hoặc cho quả kém do trước đây người dân trồng tự phát, sử dụng giống thực sinh, không rõ nguồn gốc, đồng thời chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tỉa cành, tạo tán. Theo quy hoạch, có 5 bộ giống với 10 dòng khác nhau, trong đó 5 dòng giống trong danh mục được phép sản xuất kinh doanh, 5 giống còn lại đang trong quá trình khảo nghiệm. Tuy nhiên, thực tế sản xuất ở Lâm Đồng có 18 dòng, giống khác nhau, trong đó 10 dòng giống trong danh mục giống được phép sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, các dòng giống còn lại chưa được các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá bài bản để khuyến cáo phát triển sản xuất.

Hơn nữa, nhu cầu phát triển cây mắc ca vừa là cây trồng chiến lược, vừa trồng xen làm cây che bóng cây chè, cà phê ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện nay, Lâm Đồng vẫn chưa có các mô hình thử nghiệm đầy đủ về mật độ, chế độ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại để áp dụng đồng bộ.

Từ góc nhìn này, Chi cục TT & BVTV Lâm Đồng đề xuất UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đáp ứng hơn nữa thực tế sản xuất trên địa bàn. Từ nay đến năm 2020 có thể bố trí nguồn vốn thực hiện đề án chuyển đổi giống cây trồng để tiếp tục khảo sát, đánh giá 3 yếu tố canh tác về điều kiện (khí hậu, thổ nhưỡng...), phương thức (trồng xen, trồng 01 giống, trồng nhiều giống), biện pháp (mật độ, nước tưới, phân bón...), nhằm tìm ra các giống mắc ca tương ứng với biện pháp kỹ thuật mới để nhân rộng trên địa bàn.

 Theo Văn Vệt/KTNT.vn