Phát triển mô hình sản xuất làm nền tảng xây dựng NTM

Phát triển mô hình sản xuất làm nền tảng xây dựng NTM
UBND tỉnh Thanh Hoá vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả thực hiện các mô hình phát triển sản xuất năm 2017 thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM).
13-00-14_1
Phát triển các mô hình nông nghiệp là kế hoạch lâu dài hướng đến mục tiêu xây dựng NTM bền vững

Theo Văn phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng NTM, năm 2017 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã triển khai được 318 mô hình phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn (tăng 63 mô hình so với năm 2016) với tổng kinh phí hơn 290 tỷ đồng, thu hút 29 HTX, THT và trên 9 ngàn hộ dân cùng tham gia.

 Nhiều mô hình được hỗ trợ từ nguồn vốn NTM đến nay phát huy hiệu quả vượt trội. Điển hình như việc xây dựng thành công vùng sản xuất cây giống lá gai xanh ở xã Thọ Diên (Thọ Xuân) quy mô 8ha, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, đồng thời tạo nguồn nguyên liệu cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh, lợi nhuận bình quân mang lại đạt 130 triệu/ha.

Hoặc mô hình nuôi cá trắm đen tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn), từ nguồn ngân sách hỗ trợ 100 triệu và tiền đối ứng 775 triệu đã tạo ra nguồn sản phẩm ổn định, được các cơ sở sản xuất ở Hà Nội, Hà Nam cam kết thu mua lâu dài, lợi nhuận bình quân đạt mức 300 triệu đồng/ha…

Theo đánh giá chung, các đơn vị được giao thực hiện cơ bản đều có sự lựa chọn phù hợp với tình hình thực tế bằng cách ưu tiên nhóm cây trồng, vật nuôi theo định hướng tái cơ cấu ngành (rau an toàn, cây ăn quả, gà lông màu, phát triển con đặc sản, tôm he chân trắng…).

 Việc triển khai dự án hỗ trợ đã nâng cao trình độ, năng lực sản xuất, tiến tới việc đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, hình thành các chuỗi liên kết có giá tri.

 Qua rà soát cho thấy, hiệu quả kinh tế hơn mang lại cao hơn từ 10 – 15 % so với sản xuất đại trà, nhờ đó thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng lên đáng kể (24 triệu đồng/người, tăng 4,3% so với cùng kỳ); tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,54%. Đây được xem là tiền đề vững chắc để xây dựng, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM.

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM là 1 trong 5 chương trình kinh tế trọng tâm của địa phương. Việc đánh giá lần này nhằm mục đích nêu bật tầm quan trọng của chương trình đối với quá trình thúc đẩy nền nông nghiệp tỉnh nhà.

13-00-14_2
Ảnh: V.K

Theo ông Quyền, việc tiến hành hỗ trợ để phát triển các mô hình trong sản xuất nông nghiệp là chủ trương đúng đắn, các đơn vị thực hiện đã cho thấy sự cố gắng, hiệu quả bước đầu nhìn chung khá khả quan. Tuy nhiên, bên cạnh tín hiệu tích cực vẫn còn tồn tại khá nhiều vấn đề cần khắc phục, thực tế có những địa phương chưa chủ động thực hiện, một số mô hình lựa chọn chưa phù hợp, chưa tạo được động lực thúc đẩy, tỷ lệ áp dụng tiến bộ KHKT khá hạn chế.

Trên cơ sở thực tế, đồng chí Phó Chủ tịch gợi ý một số giải pháp trong thời gian tới. Đầu tiên là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao vai trò, vị trí của lĩnh vực nông nghiệp trong phát triển KT-XH, qua đó tập trung nhân rộng các mô hình hiệu quả điển hình.

Thứ hai, cần lồng ghép hiệu quả các nguồn lực, phải hoàn thành mục tiêu “mỗi xã một sản phẩm chủ lực”. Đồng thời gắn trách nhiệm của các đơn vị với nhiệm vụ phát triển theo hướng liên kết, theo chuỗi giá trị kinh tế. Các ngành, các địa phương cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra, chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả.

Theo Việt Khánh/Báo Nông Nghiệp.vn