Phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Ninh
- Thứ sáu - 23/02/2018 18:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Có mặt tại trang trại Giang Nam, tại thôn Bùi Xá, xã Ngũ Thái, huyện Thuận thành (Bắc Ninh) vào những ngày đầu tháng 2-2018, chúng tôi được chị Vũ Thị Đông, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản xanh cho biết, công ty đã áp dụng thành công mô hình vườn ao chuồng (VAC) bằng công nghệ mới vào trong chăn nuôi, trồng trọt tại trang trại Giang Nam. Đó là sử dụng chế phẩm EM, tổng hợp năm nhóm vi sinh vật hữu hiệu của các nhà khoa học Nhật Bản đã được ứng dụng rộng rãi trên thế giới, trong đó có Việt Nam làm đệm lót vi sinh (gồm chế phẩm EM, mùn cưa và một số thành phần khác), hay ủ thức ăn và sử dụng trong trồng rau hữu cơ. Với đàn lợn nái khoảng 40 con, lợn thịt 200 con, bò năm con, gia cầm thịt 2.000 con… cộng thêm dây chuyền chăn nuôi, sản xuất hữu cơ khép kín, trang trại Giang Nam đã “trình làng” một loạt các sản phẩm an toàn gồm thịt tươi, pa-tê, xúc xích, giò được bày bán tại một số hệ thống cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội.
Đánh giá về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh Trần Thị Hòa cho biết, UBND tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung tỉnh Bắc Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng để các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Hiện nay, sản xuất hữu cơ nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ngành, sự ủng hộ của nông dân.
Bên cạnh các yếu tố đầu vào thuận lợi như vùng quy hoạch sản xuất tập trung, các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chế phẩm vi sinh có nguồn gốc hữu cơ khá đa dạng, được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp thì việc phát triển nông nghiệp hữu cơ ở Bắc Ninh cũng gặp không ít khó khăn. Đó là, trong giai đoạn đầu sản xuất hữu cơ yêu cầu quản lý nghiêm ngặt ở tất cả các khâu tốn nhiều công lao động cho nên khó triển khai thực hiện trên diện rộng. Các chế phẩm hữu cơ có tác dụng chậm hơn so với hóa học dẫn đến năng suất cây trồng thấp, mẫu mã sản phẩm chưa đẹp… Do sản xuất hữu cơ đạt năng suất thấp, sản phẩm không đồng đều, cho nên ít được người sản xuất, tiêu dùng quan tâm chú ý. Mặt khác, hiện nay trên thị trường sản phẩm thông thường và sản phẩm hữu cơ chưa có sự phân biệt rõ ràng, do vậy xuất hiện tình trạng thiếu minh bạch, lợi dụng để bán giá cao, làm mất niềm tin của người tiêu dùng. Nước ta vẫn chưa có tổ chức nào cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Sản phẩm nông nghiệp muốn được chứng nhận hữu cơ phải dựa vào các tổ chức của nước ngoài, vì vậy mặc dù thời gian qua Bắc Ninh đã phát triển khá nhanh nghề nuôi trồng thủy sản, coi là thế mạnh của địa phương, nhưng chưa có diện tích thủy sản nào được cấp chứng nhận là sản phẩm nuôi trồng thủy sản hữu cơ theo đúng quy định, mà mới chỉ được chứng nhận theo hướng nuôi trồng thủy sản theo VietGAP với quy mô thực hiện là 11 hộ (có chín hộ nuôi trồng thủy sản trong ao đất với diện tích 3,9 ha; hai hộ nuôi cá lồng với diện tích là 0,75 ha, tương đương 135 lồng nuôi cá).
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (bao gồm cả sản xuất hữu cơ) thể hiện ở Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 9-1-2012, đến nay đã hơn 5 năm, nhưng hầu hết chỉ hỗ trợ cho an toàn/GAP, còn hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn chưa có. Nhất là khi thiên tai thời tiết bất thường xảy ra thì những cơ sở sản xuất nông nghiệp hữu cơ phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi.
Ông Trịnh Quang Tái, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp Kinh Bắc chuyên sản xuất rau hữu cơ tại thôn Trà Vinh, xã Trí Quả, huyện Thuận Thành cho biết, trên diện tích 1,4 ha, mỗi năm HTX sản xuất khoảng 30 loại rau hữu cơ các loại, với sản lượng khoảng 560 tấn. Tuy nhiên, mùa rau năm qua hiệu quả không cao do HTX không có kinh phí để đầu tư nhà khung, nhà lưới, cho nên ảnh hưởng của cơn bão cuối năm 2017 và rét đậm rét hại đầu 2018 khiến các vườn rau hữu cơ bị mất trắng.
Để khắc phục những hạn chế trong phát triển nông nghiệp hữu cơ thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã xác định rõ một số trọng tâm chính là: Lựa chọn các sản phẩm, vùng sinh thái phù hợp để quy hoạch vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; tiếp tục chỉ đạo sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, giảm sử dụng hóa chất, kháng sinh trong sản xuất nông nghiệp nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe người sản xuất và người tiêu dùng; coi sản xuất hữu cơ là một phương thức canh tác an toàn với con người; tăng cường công tác phối hợp các viện nghiên cứu, trường đại học… để phổ biến, tuyên truyền, tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ; gắn sản xuất nông nghiệp hữu cơ với việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, sử dụng các loại vật tư xuất phát từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường; nghiên cứu, tham mưu chính sách hỗ trợ vốn sản xuất, ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.
Theo Tâm Thời & Thái Sơn/Báo Nhân Dân.,vn