Phát triển nông sản an toàn: Hướng đi đúng từ mô hình trang trại cho thu nhập cao

Phát triển nông sản an toàn: Hướng đi đúng từ mô hình trang trại cho thu nhập cao
Những năm qua, mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp đã hình thành, phát triển và không ngừng mở rộng. Trong đó, nhiều mô hình trang trại phát triển sản xuất theo hướng VietGap mang lại hiệu quả cao doanh thu lớn. Mô hình kinh tế này không chỉ giúp người dân cung cấp nông sản sạch, an toàn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng sạch của người dân và vươn lên làm giàu.
Trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Đỗ Xuân Tảo, ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên sử dụng thức ăn tận dụng trong chăn nuôi nhằm tạo ra sản phẩm nông sản sạch phục vụ người tiêu dùng. Ảnh Trà Hương
 

Theo tổng hợp của Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có gần 537 mô hình kinh tế trang trại đang hoạt động, trong đó có hơn 276 mô hình được các huyện, thành phố, thị xã thẩm định và cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Quy mô của trang trại từ một vài héc ta, tới hàng chục héc ta, tạo công ăn việc làm cho gần 5.000 lao động, tạo ra lượng nông sản dồi dào và đa dạng, cũng là nơi sản xuất ra nhiều loại nông sản chất lượng cao trên địa bàn tỉnh. Thông qua hoạt động trang trại góp phần nâng cao kỹ năng, tay nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo an ninh trật tự tại mỗi địa phương. Ngoài ra, kinh tế trang trại còn tạo sự lan tỏa trong phát triển kinh tế nông nghiệp; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi và làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của ông Đỗ Xuân Tảo, ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên, chúng tôi như bị cuốn vào khí thế lao động sản xuất hăng say của gia đình. Với gần 2 ha diện tích sử dụng, trong đó 1/3 diện tích trang trại ông Tảo sử dụng để thâm canh cây ăn trái như: Chuối, táo, bưởi…, diện tích còn lại ông Tảo sử dụng làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm với các loại vật nuôi như: Bò, lợn, gà, chim câu… Nhưng vật nuôi chủ lực mang tính hàng hóa góp phần mang lại thu nhập cho gia đình chủ yếu từ chăn nuôi lợn và gà. Khi ông Tảo còn đang cho gốc rau vào máy nghiền thì con trai ông đã trở về trên chuyến xe tải mang theo hơn 400 kg cơm thừa được lấy từ bếp ăn tập thể của Công ty TNHH Dong Yang Electronics Việt Nam (KCN Bá Thiện II). Chiếc xe vừa lùi vào đến sân, ông Tảo cùng vợ và con gái mở cửa xe đưa từng thùng cơm ra ngoài cho thêm gốc rau đã nghiền nhấc lên bếp đun sôi rồi đem chia ra các chuồng nuôi. Chia sẻ về lý do sử dụng thức ăn tận dụng để chăn nuôi ông Tảo cho biết: “Gia đình bắt tay vào chăn nuôi lợn, gà từ năm 2007, lúc đầu tôi nuôi đại trà bằng cám công nghiệp nên thường bị thương lái ép giá, hiệu quả không cao. Trong khi thịt lợn, thịt gà ở đâu cũng có, nơi nào cũng nuôi, nhưng thịt vừa ngon, vừa an toàn cho sức khỏe thì vẫn hiếm. Vì vậy, năm 2012 tôi chuyển sang chăn nuôi bằng thức ăn tận dụng, để làm được điều đó tôi đã liên hệ với một số bếp ăn tập thể trong các doanh nghiệp tại KCN Bá Thiện II và KCN Khai Quang để mua lại thức ăn thừa đem về chăn nuôi. So với vật nuôi cho ăn bằng thức ăn công nghiệp, vật nuôi bằng cơm thừa cần thời gian nuôi lâu hơn, khoảng từ 6 đến 7 tháng mới có thể xuất chuồng, nhưng chất lượng thịt luôn thơm ngon hơn và giá bán cũng cao hơn từ 15-20%”. Hiện nay, mỗi vụ ông Tảo nuôi 500 gà và 60 lợn thương phẩm. Do không sử dụng thức ăn công nghiệp trong chăn nuôi, sản phẩm cung ứng ra thị trường luôn có sự ổn định về giá, cùng với nuôi chim bồ câu và trồng cây ăn trái, bình quân mỗi vụ sản xuất trừ chi phí gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng.

Được thành lập năm 2008, sau những năm đầu chăn nuôi nhím và lợn rừng không mấy hiệu quả. Năm 2013, Sơn trại Bình Minh, thôn Hoa Giang, xã Bàn Giản, huyện Lập Thạch đã chuyển hướng sang chăn nuôi gà và lợn theo hướng an toàn. Nhờ quy trình nuôi chặt chẽ, Sơn trại Bình Minh được cấp chứng nhận VietGap và được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lựa chọn để xây dựng khu giết mổ an toàn. Ông Mạc Tuấn Hải, giám đốc Sơn trại Bình Minh cho biết: “Để thực hành chăn nuôi tốt, trong 3 tháng đầu trang trại sử dụng thức ăn chăn nuôi công nghiệp, đến tháng thứ 4 vật nuôi được cho ăn bằng cám ngô, cám gạo kết hợp rau xanh và men tiêu hóa. Sang tháng thứ 5 cho ăn ngô và thóc mầm 100%. Cũng từ tháng thứ 4 vật nuôi không dùng kháng sinh để điều trị bệnh mà dùng các loại thảo dược như gừng, tỏi, nghệ tươi... Tuy nhiên, chăn nuôi theo quy trình VietGap nên thời gian nuôi sẽ kéo dài hơn từ 1,5 – 2 tháng, nhưng chất lượng thịt thương phẩm luôn nhận được sự tin tưởng, ưa chuộng từ phía khách hàng”. Hiện nay, trang trại đang thực hiện liên kết với 4 hộ dân trong xã nuôi 400 lợn bột và hơn 2.000 gà thịt; giá thịt gà thương phẩm bán lẻ trên thị trường giao động từ 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg, giá thịt lợn dao động từ 80.000 đồng - 100.000 đồng/kg. Trung bình, mỗi vụ nuôi trang trại thu về từ 500-600 triệu đồng. Tính cả năm, doanh thu từ nuôi gà, lợn đạt hơn 1 tỷ đồng.

Thời gian qua, tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo đà cho kinh tế trang trại phát triển. Trong đó, ban hành nhiều chính sách khuyến khích xây dựng các cơ sở chăn nuôi, trồng trọt an toàn dịch bệnh, chuỗi giá trị cung cấp sản phẩm an toàn, sạch; phát triển các loại hình liên kết trong tổ chức sản xuất, giữa các hộ chăn nuôi và giữa doanh nghiệp với tổ chức của người chăn nuôi; tăng cường đào tạo, tập huấn đội ngũ quản lý, xã viên các hợp tác xã, hộ cá thể để trở thành người chăn nuôi chuyên nghiệp. Tuy nhiên, tỉnh ta chưa ban hành chính sách ưu đãi riêng cho kinh tế trang trại, những giải pháp nêu trên đều là chương trình lồng ghép có tính chất hỗ trợ một phần giúp kinh tế trang trại phát triển, Bên cạnh đó, nhiều chính sách mang tính đặc thù do Nhà nước quy định còn gặp nhiều vướng mắc như: Quy định về diện tích, quy mô trang trại, tiếp cận vốn vay, đầu tư về hạ tầng, công nghệ sản xuất, thị trường tiêu thụ...Theo ông Nguyễn Cao Thảo, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), để mô hình VietGap ngày càng nhân rộng, tỉnh cần có cơ chế, chính sách ưu đãi riêng biệt nhằm tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là khó khăn về vốn để khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, các địa phương đẩy mạnh hơn nữa hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật giúp các chủ trang trại mở rộng quy mô sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hàng hóa; sẵn sàng hợp tác sản xuất kinh doanh, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường./.

Theo Trung Huy/Vĩnh Phúc .vn