Phát triển vùng trồng rau an toàn ở thị xã Sơn Tây
- Thứ hai - 28/05/2018 23:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Hiện nay, sản lượng rau xanh của thị xã Sơn Tây mới chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu rau thị trường, trong đó sản lượng rau an toàn (RAT) mới đáp ứng được 5%, số lượng còn lại chủ yếu từ địa phương khác cung cấp. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng rau sạch của nhân dân thị xã ngày càng cao, đòi hỏi sản phẩm cung cấp cho thị trường phải bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, rõ nguồn gốc, nơi sản xuất; các bếp ăn tập thể còn đòi hỏi những đơn vị cung ứng rau phải chịu trách nhiệm về sản phẩm...
Chăm sóc rau an toàn tại phường Viên Sơn (thị xã Sơn Tây). Ảnh: Lâm Nguyễn |
Trước thực trạng trên, cấp ủy, chính quyền thị xã đặc biệt quan tâm, hỗ trợ và khuyến khích các hộ nông dân tham gia sản xuất RAT tập trung có kiểm soát của cơ quan nhà nước; tiến tới cung cấp cho thị trường sản phẩm rau bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng nhu cầu và lòng tin của người tiêu dùng.
Trên cơ sở đánh giá về lợi thế, tiềm năng đất đai, Phòng Kinh tế thị xã đã lập và được UBND thị xã phê duyệt đề án "Sản xuất và tiêu thụ RAT phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây giai đoạn 2016-2020", với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng rau và xây dựng chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Đề án được chia 2 giai đoạn: Từ năm 2016-2018 xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; từ năm 2018-2020 đầu tư giống, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn khoa học kỹ thuật cho nông dân, kiểm tra mẫu an toàn thực phẩm, xây dựng mô hình điểm; tuyên truyền quảng bá tiêu thụ sản phẩm... Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 29 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thị xã.
Phường Viên Sơn có khoảng 30ha chuyên trồng rau ở xứ đồng Gò Trầu, Cây Chanh Tám Tấn. Đây là vùng sản xuất rau lớn nhất trên địa bàn thị xã. Từ năm 2008, Viên Sơn đã có 20,5ha được Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm trong sản xuất rau. Trong đó, có 6,5ha được chứng nhận sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP năm 2014. Năm 2017, để hỗ trợ nông dân phường Viên Sơn thực hiện đề án sản xuất và tiêu thụ RAT, Chi cục đã tổ chức lớp tập huấn nâng cao kiến thức an toàn thực phẩm và kỹ thuật sản xuất RAT cho 50 hộ nông dân. Đồng thời, cử 2 cán bộ kỹ thuật phối hợp với HTX Nông nghiệp Viên Sơn hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra sản xuất RAT, lấy 20 mẫu rau để phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Kết quả không mẫu rau nào có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho biết, các loại rau trồng ở Viên Sơn chủ yếu là: Su hào, súp lơ, cải bắp, rau muống, dưa chuột, rau bí, xà lách, cải các loại, rau gia vị... Nông dân phường Viên Sơn đã nâng cao ý thức, trách nhiệm trong sản xuất RAT, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học tăng lên, ghi chép đầy đủ nhật ký sản xuất, nhật ký sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên rau. Đây cũng chính là "cẩm nang" giúp họ phòng trừ sâu bệnh và có thêm kinh nghiệm sản xuất RAT những vụ tiếp theo.
Từ hiệu quả sản xuất RAT ở phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, hỗ trợ các địa phương khác phát triển RAT. Theo Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sơn Tây Phùng Huy Vinh, thị xã đã xây dựng được vùng sản xuất tập trung RAT, rau VietGAP trên diện tích hơn 100ha, trồng các loại rau theo mùa vụ, trong đó có 40,3ha sản xuất RAT (phường Viên Sơn 20,5ha, xã Sơn Đông 11ha, xã Xuân Sơn 8,8ha). RAT của Sơn Tây đạt giá trị hơn 200 triệu đồng/ha/năm.
Thời gian tới, thị xã tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ 14ha sản xuất RAT tại các khu Đồng Giộc 1, Đồng Đuối, Gò Chầu (phường Viên Sơn) và 30,3ha tại các khu Đồng Miệu, Gò Khê, Đồng Củ - Gò Trâm (xã Sơn Đông); mở rộng chuỗi sản xuất, tiêu thụ RAT, bảo đảm bao tiêu "đầu ra" cho sản phẩm, góp phần nâng thu nhập bình quân trên diện tích trồng RAT lên 300-500 triệu đồng/ha/năm.
Theo Trung Nguyên/Báo HNM.vn