Phú Yên: Loại bỏ dần chăn nuôi nhỏ
- Thứ tư - 29/05/2019 20:50
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Tỉnh Phú Yên định hướng phải tăng cường chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp để tạo vùng nuôi an toàn dịch bệnh.
Khó quản lý dịch bệnh
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Phú Yên, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiên trên 100 nghìn con. Thời gian qua tình hình chăn nuôi lợn có nhiều biến động do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh và giá cả thị trường, song chăn nuôi trong tỉnh vẫn tiếp tục giữ vững và ổn định. Tuy nhiên hạn chế ngành chăn nuôi lợn trong tỉnh đó là chăn nuôi nhỏ lẻ (chăn nuôi nông hộ) vẫn còn chiếm tỷ lệ cao.
Chăn nuôi nhỏ lẻ cần tuân thủ tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Lê Khánh. |
Ghi nhận PV tại huyện Hòa Phú với tổng đàn lợn khoảng 10.000 con, song chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ. Như tại xã Hòa Trị với đàn heo nhiều nhất huyện trên dưới 3.000 con, nhưng không có trang trại nuôi lợn nào quy mô lớn. Ngược lại là chăn nuôi nhỏ lẻ nằm rải rác 5 thôn, mỗi gia đình nuôi vài ba con.
Ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng trạm Thú y huyện Phú Hòa thừa nhận vấn đề này và cho biết: Với lực lượng thú y mỏng, cả trạm huyện chỉ có 4 người, mỗi xã (9 xã) có 1 thú y viên nên việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán tất nhiên gây khó khăn trong việc phòng chống dịch bệnh.
Ông Hùng còn cho biết, nhiều khi dịch bệnh trên lợn xảy ra người chăn nuôi ít khai báo cơ quan chức năng mà tự bán chạy lợn. Chỉ khi giá heo thấp hơn sự hỗ trợ của nhà nước thì họ mới báo cáo lực lượng thú y tiêu hủy để nhận hỗ trợ.
Tương tự, tại huyện Tây Hòa, hiện tổng đàn lợn gần 13.000 con, với 580 hộ chăn nuôi nhưng chỉ có 3 trang trại. Ông Nguyễn Dũng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết, tình trạng chăn nuôi nhỏ lẻ giấu dịch là có thật. Như vào thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm 2019 tại xã Hòa Phong phát hiện một số hộ dân chăn nuôi có tình trạng lợn chết. Tuy nhiên khi lượng chức năng xuống kiểm tra, xác minh đúng là có heo chết, nhưng người dân đã bán chạy hết sạch.
Phải thay đổi phương thức chăn nuôi
Trước tình hình dịch tả lợn Châu Phi có chiều hướng phức tạp, lan rộng và đã vào miền Nam, trong khi đây là bệnh truyền nhiễm, không có thuốc điều trị và vacxin để phòng bệnh. Với ngành chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ lớn như tỉnh Phú Yên nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi khi xâm nhập sẽ lây lan cao, gây thiệt hại cho người nuôi.
Xác định điều yếu này lãnh đạo ngành NN-PTNT Phú Yên định hướng cần phải thay đổi phương thức chăn nuôi, đó là giảm chăn nuôi nông hộ chuyển dịch theo hướng thâm canh, bán công nghiệp và công nghiệp hiện đại.
Lực lượng chức năng Phú Yên tăng cường giám sát xe vận động vật qua địa bàn. Ảnh: Lê Khánh. |
Do đó, từ năm 2010 đến nay tỉnh Phú Yên bắt đầu phát triển nhiều trang trại chăn nuôi heo với quy mô lớn, từ 500-2.400 con/lứa.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và thú y Phú Yên cho biết, hiện toàn tỉnh có 35 trạng trại nuôi heo gia cho Công ty CP công heo thịt với tổng đàn khoảng 30.000 con/lứa. So với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ thì mô hình trang trại chăn nuôi gia công cho Công ty CP, người chăn nuôi được tiếp cận với phương pháp sản xuất công nghiệp, hiện đại, hạn chế được những rủi ro dịch bệnh trong chăn nuôi và đem lại thu nhập cao cho người tham gia.
“Các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đều áp dụng các biện pháp sinh học, khép kín, hạn chế người ra vào. Các trang trại tuân thủ rất nghiêm ngoặt về việc tiêm phòng vacxin, cũng như quản lý chặt chẽ đầu vào, đâu ra, lịch thời vụ thả nuôi. Cho nên quản lý khâu dịch bệnh rất tốt, nhất là thời điểm hiện nay dịch tả lợn Châu phi đang bùng phát, lan rộng nhiều tỉnh thành”, ông Lâm chia sẻ.
Ngành Thú y Phú Yên đang triển khai quyết liệt các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh; tăng cường hoạt động các trạm, chốt kiểm dịch nhằm ngăn chặn các trường hợp vận chuyển lợn không rõ nguồn gốc, vận chuyển lợn bệnh quá cảnh hoặc vào tỉnh để tiêu thụ; kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật những trường hợp vi phạm. Chuẩn bị tốt phương án chôn lấp và tiêu hủy lợn. Bên cạnh đó chỉ đạo thú y tăng cường tiêm phòng vắc xin phòng bệnh, kiểm soát giết môt gia súc. Hiện tỉnh đã có đề án đến năm 2020 tất cả các huyện trên địa bàn tỉnh đều có lò giết mổ tập trung. |