Phụ nữ Thanh Hóa tích cực giúp nhau làm giàu
- Chủ nhật - 14/06/2015 23:10
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Nhận thức đặc điểm địa phương, Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa xác định giảm nghèo là công tác trọng điểm và việc nhận ủy thác với NHCSXH chính là một lối đi cho Hội để mang đến nguồn vốn ưu đãi cho phụ nữ làm kinh tế tiến đến thoát nghèo.
Từ đồng vốn chính sách, phụ nữ nghèo ở Thanh Hóa đã có cơ hội làm chủ kinh tế, vươn lên thoát nghèo
Chị Lê Thị Nương - Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Xác định đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng Hội đã tập trung chỉ đạo thực hiện bằng cả tình cảm và trách nhiệm với người nghèo và nhân dân vùng khó khăn.
Hội đã phối hợp với NHCSXH xây dựng mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn đến từng thôn, xóm. Hoạt động của các TTK&VV theo nguyên tắc tự nguyện, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống, cùng cam kết sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng hạn. Nhờ có sự nỗ lực tập trung trong 5 năm qua, dư nợ ủy thác qua tổ chức Hội luôn chiếm gần 42% tổng dư nợ cho vay qua ủy thác của NHCSXH. 100% hộ trong diện tham gia tổ TK&VV do Hội quản lý, có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn.”
Tính đến tháng 12/2014, dư nợ ủy thác qua 3.775 Tổ tiết kiệm và vay vốn do Hội quản lý đạt 2.906,3 tỷ đồng với 135.213 hộ vay. Từ nguồn vốn vay của NHCSXH, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã giúp 15.765 hộ hội viên phụ nữ nghèo làm chủ kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
nâng cao công tác tuyên truyền để các cấp chính quyền, sở, ban, ngành và nhân dân trong tỉnh kịp thời nắm bắt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tín dụng ưu đãi đối với công cuộc giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể và chính quyền cơ sở tăng cường giám sát quy trình bình xét cho vay bảo đảm dân chủ, khách quan, đúng đối tượng; đáp ứng nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách về nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh đó, hội cũng chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, khởi sự và quản trị doanh nghiệp, quản lý hợp tác xã, dạy nghề và xây dựng các mô hình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giúp cho các hộ vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, phát huy hiệu quả đồng vốn. Trong 5 năm, từ 2010-2015, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 364.872 cán bộ, hội viên phụ nữ; tổ chức dạy nghề cho 27.139 hội viên phụ nữ.
Để tránh tình trạng xâm tiêu, chiếm dụng vốn, nợ đọng, Hội Phụ nữ duy trì chế độ kiểm tra định kỳ và đột xuất ở từng cấp nhằm nắm bắt và phản ánh với NHCSXH kịp thời các nguyên nhân phát sinh nợ quá hạn, các hộ vay vốn gặp rủi ro trong kinh doanh sản xuất và cùng NHCSXH tìm giải pháp thích hợp. Đồng thời, hội cũng tích cực động viên kịp thời những tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc tổ chức thực hiện hợp đồng ủy thác vốn vay, các hộ nghèo vay vốn vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế bền vững để khích lệ tinh thần phấn đấu vươn lên.
Song song với việc đảm bảo vốn vay được sử dụng tốt, xác định có tiết kiệm mới có thêm cơ hội thoát nghèo, HPN đã vận động phụ nữ trong tỉnh thực hành tiết kiệm, khơi dậy ý thức trách nhiệm, tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn thông qua việc xây dựng các tổ nhóm phụ nữ tiết kiệm, “Hũ gạo tình thương”,“ống tiền tiết kiệm”, hưởng ứng tích cực đợt thi đua với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững”, qua đó đã vận động được nguồn lực xã hội to lớn giúp hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nói chung, các hộ vay vốn ưu đãi nói riêng có điều kiện vươn lên phát triển sản xuất, ổn định đời sống .
Cùng với nguồn vốn ngân hàng, HPN đã gióp sức giúp các hội viên như gia đình chị Hoàng Thị Phương, ở thôn 6, xã Định Long, Yên Định. Gia đình chị vốn thuộc diên hộ nghèo, hai con còn nhỏ, chồng lại bị tai nạn giao thông, sức khỏe yếu ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động. Nhờ vay 40 triệu đồng tiền vốn chương trình hộ nghèo từ NHCSXH để nuôi bò, mua lúa giống, sau 2 năm, đến nay gia đình chị đã thoát nghèo. Chị Trịnh Thị Châm ở cùng xã có hoàn cảnh khác, hai vợ chồng thường xuyên ốm đau, kinh tế chủ yếu dựa vào đồng ruộng, các con còn nhỏ. Năm 2009, gia đình chị Châm được NHCSXH giải quyết cho vay vốn hộ nghèo 28 triệu đồng để đầu tư phát triển chăn nuôi, đến năm 2011, gia đình đã trả hết nợ cho ngân hàng và không còn trong danh sách hộ nghèo. Tiếp tục phấn đấu làm kinh tế, chị Châm vay tiếp 40 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo để đầu tư vào phát triển chăn nuôi và trồng ớt xuất khẩu. Hiện nay, gia đình chị đã ổn định cuộc sống, mua sắm được nhiều vật dụng thiết yếu phục vụ sinh hoạt, sản xuất.
Hoàng Hà
Nguồn: kinhtenongthon.com.vn