Phượng Dực nỗ lực xây dựng nông thôn mới

Phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống là mục tiêu chính quyền và nhân dân xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên) luôn hướng tới. Bởi, Phượng Dực xác định rõ, phải mạnh về kinh tế mới đủ lực xây dựng, hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới...
Nghệ nhân nặn tò he ở Xuân La mang nghề đi khắp nơi để lập nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hữu

Nghề nặn tò he ở thôn Xuân La, xã Phượng Dực có từ lâu đời. Bằng bàn tay khéo léo, người thợ đã biến bột nếp dẻo thơm thành đồ chơi dân gian sinh động cho trẻ em. Nhiều nghệ nhân Xuân La mang nghề đi khắp nơi trên đất nước để lập nghiệp, làm ăn phát đạt, trở về quê hương xây dựng nhà cửa khang trang. Ngoài nặn tò he, người dân nơi đây còn có nhiều nghề phụ khác như: May màn, may quần áo và quần áo mưa xuất khẩu, cơ khí, mộc... Tại Xuân La, đã có 25% số lao động trong thôn thường xuyên tham gia các hội chợ ở Hà Nội và khu vực miền Bắc để quảng bá, kinh doanh, buôn bán đa dạng các mặt hàng dân dụng, tiêu dùng, sản phẩm làng nghề...

Năm 2016, khi thôn Xuân La có chủ trương xây dựng đường ra nghĩa trang nhân dân, nhân dân trong thôn và những người con đi làm ăn xa quê đã cùng nhau đóng góp hơn 300 triệu đồng để đổ bê tông toàn tuyến. Hai bên lề đường được nhân dân trồng hàng cây sấu tạo cảnh quan xanh, sạch. Theo Trưởng thôn Xuân La Nguyễn Văn Tướng, trong 2 năm 2016-2017, nhân dân Xuân La đã đóng góp tới 2 tỷ đồng để làm các công trình phúc lợi, công cộng như đổ bê tông sân chơi nhà văn hóa và 90% đường ngõ xóm; cải tạo khuôn viên sân đình, đường vào chùa…

Tương tự, thôn Phượng Vũ có 19 xóm thì 100% đường ngõ đều được nhân dân tự nguyện góp tiền, góp sức đổ bê tông và lát gạch. Rãnh thoát nước ven các tuyến đường đều có nắp đậy. Việc huy động sức dân để làm những công việc này đều được thực hiện minh bạch, rõ ràng nên các gia đình đều thống nhất cùng đóng góp mỗi nhân khẩu từ 600 nghìn đồng đến 1 triệu đồng để làm đường. Thậm chí, nhiều trường hợp đi làm ăn xa quê, ngoài việc tự nguyện đóng góp phần của mình, còn nhiệt tình ủng hộ thêm từ 1 đến 5 triệu đồng. Nhờ đó, 100% ngõ xóm ở Phượng Vũ đều có điện thắp sáng...

Không chỉ chú trọng giữ gìn sạch, đẹp khu dân cư, Phượng Vũ còn thực hiện quy hoạch và xây dựng nghĩa trang nhân dân của thôn thành hàng lối, kích cỡ đều nhau; đường vào, lối đi trong khuôn viên nghĩa trang sạch đẹp. “Tiền xây dựng nghĩa trang nhân dân đều do các gia đình trong thôn và những người con làm ăn, học tập ở xa quê hương ủng hộ. Nhiều địa phương khác đã đến Phượng Vũ học tập kinh nghiệm từ những thành công này của thôn” - Trưởng thôn Nguyễn Văn Dũng hào hứng chia sẻ.

Bên cạnh đó, người dân Phượng Dực cũng luôn chú trọng, khuyến khích thế hệ trẻ nỗ lực học tập để có tri thức, có nghề, áp dụng kiến thức đã học vào thực tế. Nhiều dòng họ thành lập Quỹ Khuyến học để khen thưởng con, cháu có thành tích cao trong học tập như các dòng họ: Nguyễn, Đinh, Dương (thôn Phượng Vũ); Nguyễn Hữu, Đặng, Dư Đình (thôn Đồng Tiến)… Vào dịp cuối năm học, đầu năm mới hoặc khi có việc họ, các dòng họ tổ chức lễ trao thưởng cho các cháu đạt học sinh giỏi, tạo sự lan tỏa sâu rộng của phong trào trong toàn địa phương.

Nhờ nỗ lực, đến nay, xã Phượng Dực đã đạt 17/19 tiêu chí nông thôn mới; còn 2 tiêu chí là giao thông và trường học đang được hoàn thiện. Tuy nhiên, người dân Phượng Dực còn nhiều băn khoăn vì đường giao thông nhỏ hẹp, khó khăn trong vận chuyển hàng hóa; nhiều xưởng sản xuất nằm xen kẽ trong khu dân cư, vừa ảnh hưởng đến không gian sống và môi trường, vừa khó phát triển kinh tế. "Nếu một số tuyến đường trục chính và liên thôn được nâng cấp, cải tạo, dự án Trung tâm Thương mại Đồng Quan, Khu quy hoạch phát triển sản xuất, dịch vụ thôn Xuân La sớm được thực hiện... sẽ đáp ứng việc di chuyển nhà xưởng ra xa khu dân cư, tránh gây ô nhiễm môi trường, tạo thuận lợi về giao thông, giúp nghề phụ của xã có cơ hội phát triển, đời sống nhân dân được nâng cao... Từ đó, sẽ giúp địa phương sớm đạt chuẩn xã nông thôn mới năm 2019" - Chủ tịch UBND xã Phượng Dực Lê Quý Đôn chia sẻ.
Theo Ánh Dương/Báo HNM.vn