Quảng Nam: Hiệu quả mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây lúa theo hướng giảm phát thải
- Thứ sáu - 04/05/2018 03:38
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Thực hiện mô hình, nông dân áp dụng kỹ thuật “1 phải 5 giảm”, theo đó:
* 1 phải: Sử dụng giống kỹ thuật, đạt cấp giống xác nhận trở lên.
* 5 giảm:
Giảm giống: Mô hình sử dụng 3 kg/sào, ít hơn 3 kg/sào so với đại trà (6 kg/sào);
Giảm phân bón: Mô hình đã giảm được từ 1-2 kg phân ure và 5-6 kg phân NPK;
Giảm thuốc BVTV: Mô hình đã giảm được 3 lần phun thuốc BVTV so với đại trà trên đồng ruộng;
Giảm nước tưới: Áp dụng theo kỹ thuật khô ướt xen kẽ (tưới nước tiết kiệm) nhằm giảm lượng nước tưới, giúp bộ rễ phát triển, ăn sâu vào tầng canh tác, hạn chế đổ ngã, ít sâu bệnh hại, thích ứng với biến đổi khí hậu;
Giảm thất thoát sau thu hoạch: Dựa vào kiến thức tiếp thu tại lớp học và kinh nghiệm của các học viên kết hợp với quá trình thực hành, điều tra hệ sinh thái đồng ruộng, quan sát đồng ruộng... giúp các học viên xác định được độ chín của lúa và thời gian thu hoạch hợp lý nhằm giảm thiểu thất thoát sau thu hoạch do rơi vãi trên đồng ruộng. Bên cạnh đó mô hình sử dụng máy gặt đập liên hợp để thu hoạch khả năng thất thoát sẽ được giảm đáng kể, góp phần tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Kết quả đạt được
Qua theo dõi 4 mô hình trình diễn so sánh với sản xuất đại trà của bà con nông dân trên cùng chân ruộng, cùng loại giống thì lúa trong mô hình trình diễn có số bông/m2, số hạt/bông, số hạt chắc/bông cao hơn ruộng đối chứng. Tỷ lệ lép: ruộng mô hình thấp hơn nhiều so với đối chứng. Năng suất thực thu của các mô hình thực hành dao động từ 65 – 75 tạ/ha, cao hơn từ 10-12% so với ruộng sản xuất đại trà 60-65 tạ/ha (cao hơn 8-10tạ/ha).
Hiệu quả kinh tế
Mô hình có chi phí đầu tư ban đầu thấp hơn so với sản xuất đại trà của bà con nông dân từ 94.000-183.000 đồng/sào, nhưng lại cho tổng thu cao hơn sản xuất đại trà 250.000 đồng/sào.
Thu nhập (nếu tính như bà con nông dân là lấy công làm lãi) thì thu nhập của các mô hình đạt trung bình là 1,6 triệu đồng/sào, cao hơn đại trà 1,4 lần. Lãi ròng mô hình đạt trên 841.000 đồng/sào, cao hơn đại trà gấp 2,01 lần, chênh lệch lãi ròng cao hơn 423.000 đồng/sào/vụ so với sản xuất đại trà.
Hiệu quả xã hội
Mô hình áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới vào các khâu sản xuất đã góp phần giải phóng sức lao động, tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nông dân đồng thời giảm áp lực về lao động vì hiện nay lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu là người già và trẻ em.
Về môi trường
Mô hình giảm thiểu việc sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, phân đạm, giảm ô nhiễm môi trường và sử dụng phân vi sinh góp phần cải tạo đất, giúp sản xuất lúa theo hướng bền vững, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính nhờ áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác. Mô hình đã góp phần hạn chế đốt rơm rạ trên đồng ruộng bằng cách ủ được phân hữu cơ vi sinh tại chỗ và trồng nấm rơm trên rơm rạ nhằm cải thiện dinh dưỡng cho bữa ăn và tăng thu nhập cho bà con nông dân.
Song song với việc thực hiện mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức 4 lớp tập huấn theo phương pháp FFS (lớp học hiện trường - farmer field school) tại xã Quế Lộc, Sơn Viên - huyện Nông Sơn và xã Trà Giang, Trà Sơn - huyện Bắc Trà My cho hơn 120 nông dân. Các lớp đào tạo nhằm giúp nông dân tiếp cận và thực hành những hoạt động của mô hình quản lý cây trồng tổng hợp trên cây lúa theo hướng giảm phát thải. Các lớp tập huấn kéo dài trong thời gian 04 tháng, tức đủ 01 chu kỳ sản xuất lúa vụ Đông Xuân 2017 – 2018, gồm 10 buổi học, trong đó: có 5 buổi học lý thuyết và thảo luận tại hội trường, 5 buổi học thực hành, điều tra hệ sinh thái trên đồng ruộng gắn với từng giai đoạn sinh trưởng, phát triển của cây lúa.
Ứng dụng kỹ thuật thâm canh, quản lý cây trồng tổng hợp trên cây lúa: Giúp sản xuất lúa vừa giảm được chi phí đầu vào nhưng lại cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, hạn chế ô nhiễm môi trường, giảm thất thoát sau thu hoạch cũng là cơ sở để phát triển một nền nông nghiệp bền vững. Đề nghị các địa phương quan tâm đầu tư, tuyên truyền nhân rộng mô hình này cho các điểm khác ở địa phương mình, góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho nông dân.