Quảng Ngãi: Trồng rau sạch thuỷ canh - mô hình mới, nhiều lợi ích

Quảng Ngãi: Trồng rau sạch thuỷ canh - mô hình mới, nhiều lợi ích
Với nhiều ưu điểm như không tốn công làm đất, không cần tưới nước, cũng không phải quan tâm đến việc bón phân, nhổ cỏ hay diệt sâu hại…, mô hình trồng rau thủy canh của anh Nguyễn Văn Cao ở xã Hành Trung, huyện Nghĩa Hành đang được nhiều hộ gia đình ở thành phố Quảng Ngãi áp dụng và xem như một giải pháp sản xuất rau sạch "thông minh” cho gia đình.

Với trình độ chuyên môn là kỹ sư nông nghiệp, anh Nguyễn Văn Cao đã bắt tay vào nghiên cứu, ứng dụng thành công công nghệ trồng rau bằng phương pháp thuỷ canh tại gia đình mình.

Phương pháp thuỷ canh hồi lưu (thuỷ canh động) do anh thiết kế theo hệ thống modul nhỏ gọn, gồm có các ống nhựa (có đục lỗ) được nối thành một hệ thống giàn, chia thành nhiều tầng, rất linh động có thể thay đổi phù hợp với các không gian khác nhau. Bên trong các ống nhựa có chứa dịch thủy canh. Đây là loại dung dịch đặc biệt, bao gồm các nguyên tố đa lượng (N, P, K, Ca, Mg) và vi lượng (Fe, Zn, Cu, B, Mn, Mo) với thành phần phù hợp với các quy trình hiện nay trên thế giới, trong đó hoàn toàn không có chất kích thích sinh trưởng hay thuốc trừ sâu bệnh. Dung dịch dinh dưỡng sẽ chảy dọc theo suốt chiều dài của mô đun cơ bản đầu tiên và chảy qua toàn bộ các mô đun cơ bản còn lại trong hệ thống để đến từng cây trong hệ thống trước khi hồi lưu trở lại về thùng chứa. Hệ thống đóng mở tự động được nối giữa máy bơm và hệ thống dẫn nước, có tác dụng điều chỉnh thời gian và số lần bơm nước trong ngày.

Với hệ thống thủy canh hồi lưu, tuy chi phí ban đầu hơi cao, khoảng 5 triệu đồng nhưng hệ thống được sử dụng lâu dài (khoảng 10 năm). Với hệ thống này người trồng rau không mất nhiều thời gian cho việc chăm sóc rau, chỉ cần đặt hạt rau vào giá thể, khoảng sau 1 tuần châm bổ sung dung dịch dinh dưỡng một lần vào hệ thống là có thể thu hoạch rau sạch cho gia đình dùng. Một giàn rau 10 ống (diện tích 2,0m x 0,5m x 2,1m) sẽ cho lượng rau tương đương trồng trên 10m2 đất, cho năng suất hơn 15kg rau mỗi tháng.

Bên cạnh phương pháp thuỷ canh hồi lưu, anh cũng đã thử nghiệm thành công phương pháp thuỷ canh tĩnh, rau được trồng trong thùng xốp. Nguyên liệu chính là mùn cưa, hộp xốp và dùng dung dịch thủy canh để tưới rau, bao ni lông đen lót đáy hộp xốp. Với phương pháp thuỷ canh tĩnh có thể trồng rau xà lách và các loại rau gia vị chỉ với diện tích 1m2.

Trồng rau theo phương pháp thuỷ canh tĩnh

Anh Cao cho biết, trồng rau bằng phương pháp thủy canh có nhiều ưu điểm như có khả năng thích nghi dễ dàng với các điều kiện trồng khác nhau, không phải làm đất, cày bừa, nhổ cỏ, tưới nước,… nên người già, trẻ em đều có thể tham gia, trồng được nhiều vụ trong năm nên năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng ngoài đất, sản phẩm hoàn toàn sạch...

Chị Trương Chị Diệp, ở Lê Lợi, TP. Quảng Ngãi cho biết: “Qua sử dụng giàn rau thủy canh này tôi thấy có rất nhiều tiện lợi như hàng ngày không phải tốn công đi chợ, cần rau lúc nào là có thể lên sân thượng hái được ngay, chăm sóc rau đơn giản, nhẹ nhàng, đặc biệt là rau do mình trồng nên yên tâm về chất lượng”.

Về hiệu quả kinh tế, qua tính toán sơ bộ, với chi phí mua rau khoảng 10.000 đồng/ngày, thì trong vòng một năm người sử dụng có thể lấy lại chi phí lắp đặt ban đầu.

Ngoài việc đảm bảo nguồn rau sạch cho gia đình, trồng rau bằng công nghệ thuỷ canh còn được xem là biện pháp giải trí bằng “liệu pháp làm vườn” cho những người có cường độ làm việc cao. Mô hình này cũng rất phù hợp với những người lớn tuổi, người về hưu có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi để trồng các loại rau khác nhau.

Bà Nguyễn Thị Nhị Dung, ở hẻm 53 Quang Trung, TP. Quảng Ngãi cho biết: “Sau khi về hưu tôi chẳng biết làm gì, đất đai thì không có nên muốn làm vườn cũng không được. Nhờ có vườn rau di động của anh Cao, tôi có thể trồng được nhiều loại rau mình thích. Hàng ngày, nhờ chăm sóc rau chân tay được vận động, đầu óc cũng thư thái, tôi thấy mình sống yêu đời hơn, có ích hơn”.

Với nhiều lợi ích mang lại, mô hình trồng rau thuỷ canh của anh Cao đã được nhiều người biết đến. Đến nay, anh đã chuyển giao công nghệ trồng rau theo phương pháp mới này cho khoảng 30 hộ gia đình trong và ngoài tỉnh.

Có thể nói, trong điều kiện quỹ đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, người tiêu dùng lại lo ngại rau không an toàn bởi dư lượng thuốc BVTV tồn lưu trong rau còn cao, thì phương pháp trồng rau thuỷ canh của anh Nguyễn Văn Cao là hướng mở, có tính khoa học, ứng dụng cao. Nếu mô hình được áp dụng trên diện rộng không chỉ hạn chế ô nhiễm nguồn đất, nước mà còn bảo vệ sức khoẻ cho người trồng rau và tạo ra nguồn rau sạch cung cấp cho người tiêu dùng.

Theo Khuyến nông Quốc gia