Quảng Ninh: Sáng tạo trong xây dựng NTM

Chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM) tại tỉnh Quảng Ninh đã đi gần hết chặng đường 5 năm (2011 - 2015) và hiện tỉnh này đang dẫn đầu về xây dựng NTM; phấn đấu về đích năm 2015, sớm 5 năm so với chương trình chung cả nước. Kết quả này đạt được do địa phương có nhiều cách làm hay, hiệu quả.

Ứng dụng khoa học, công nghệ

Mỗi năm, tỉnh Quảng Ninh đã dành 45% tổng nguồn vốn phân bổ hỗ trợ sản xuất, ưu tiên các mô hình sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống mới giá trị cao; xây dựng cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay. Cùng đó, chú trọng xác định sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương, nhằm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Quy hoạch các vùng sản xuất tập trung; đảm bảo lượng sản phẩm đáp ứng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, tỉnh đã quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung tại 14 huyện, thị xã, thành phố. Xây dựng cơ chế, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào chương trình NTM. Đặc biệt là chuyển đổi nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến xã trong việc áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào đời sống sinh hoạt, sản xuất kinh doanh.

Trong sản xuất thủy sản, toàn tỉnh đã có 10.000 tàu thuyền và hơn 2.000 ha ao, đầm, mặt nước trên biển, với nhiều đối tượng nuôi mới như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá song, hàu Thái Bình Dương, tu hài, hải sâm và một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến đã phát triển, phục vụ tốt cho tiêu thụ sản phẩm; trong đó tập trung vào chế biến gỗ, chè và thủy sản với công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại.

Quảng Ninh đã phát huy tốt lợi thế nuôi trồng, khai thác biển - Ảnh: Huy Hùng

Bên cạnh đó, tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật về đường giao thông, thủy lợi… phục vụ sản xuất tại các vùng quy hoạch, khu vực nông thôn, nhất là những vùng khó khăn. Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trọng tâm là tuyến xã, trên cơ sở sắp xếp lại bộ máy nhân sự, tinh giản biên chế, có kế hoạch đào tạo lại đội ngũ cán bộ. Chăm lo đời sống tinh thần của người dân tại các khu dân cư, trên cơ sở tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao theo phong tục tập quán gắn với bản sắc văn hóa truyền thống từng vùng, miền, dân tộc. Hài hòa giữa phát triển sản xuất, tăng thu nhập với việc xây dựng đời sống tinh thần lành mạnh, nâng cao dân trí vùng nông thôn.

 

>> Trưởng Ban xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh Trương Công Ngàn: Với tiến độ thực hiện như hiện nay, dự kiến đến hết năm 2015, toàn tỉnh có 82 xã cơ bản đạt NTM, 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bêtông hóa; đường liên thôn được cứng hóa đạt chuẩn; 100% xã đồng bằng, 50% xã miền núi có hệ thống kênh mương được kiên cố hóa.

Mỗi xã, phường một sản phẩm

Tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt đề án Mỗi xã, phường một sản phẩm giai đoạn 2013 - 2016. Mục tiêu, phát triển hình thức tổ chức kinh doanh sản phẩm truyền thống, có lợi thế, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng phát triển sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân, bảo vệ môi trường và ổn định xã hội ở nông thôn.

Theo đó, đã xây dựng được thương hiệu cho hàng chục sản phẩm nông sản địa phương. Tiêu biểu như Chả mực Hạ Long, hiện tại có hơn chục gia đình tham gia sản xuất mặt hàng này. 

Nói rõ hơn về chương trình xây dựng NTM gắn xây dựng sản phẩm với thương hiệu, đại diện UBND tỉnh cho biết, năm nay tỉnh triển khai mô hình mới, ngoài xây dựng thương hiệu còn xây dựng mỗi xã, phường một sản phẩm. Sản phẩm này khai thác tiềm năng, thế mạnh, nét độc đáo từng vùng miền, do chính người dân tổ chức sản xuất, tiêu thụ và hưởng lợi. Ngoài ra, Quảng Ninh có thuận lợi là có rất nhiều sản phẩm có tính vùng miền, được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng vẫn ở dạng tự cung, tự cấp.

 Quảng Ninh thực hiện việc huy động nhiều hộ dân trong một vùng cùng tham gia sản xuất một loại sản phẩm. Ví dụ, địa phương sẽ tập hợp khoảng 30 gia đình sản xuất kẹo hàng hóa theo một quy trình do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn; mẫu mã, bao bì đẹp hơn. Sau đó được đưa vào các gian hàng giới thiệu sản phẩm của tỉnh (khoảng vài chục gian) để phục vụ cả khách du lịch và người bản địa. Mô hình này tỉnh Quảng Ninh học từ Thái Lan, Nhật, và là điểm rất riêng địa phương trong xây dựng NTM.

Năm 2014, Tỉnh lập Ban chỉ đạo và tuyển chọn sản phẩm; 14 địa phương sẽ xây dựng và chọn sản phẩm để Tỉnh duyệt. Sở KH&CN lên ngay quy trình sản xuất hàng hóa này và có một hợp tác xã hoặc một doanh nghiệp thực hiện. Cùng đó, bắt tay vào tập huấn cho các mô hình sản xuất và hình thành chuỗi tiêu thụ sản phẩm. Dự kiến năm 2016, Chương trình sẽ cơ bản phủ toàn tỉnh, đóng góp vào sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ. 

 >> Tỉnh Quảng Ninh đã có 34 xã cơ bản đạt tiêu chí; dự kiến năm 2014 thêm 36 xã, trong đó 14 xã đăng ký về đích sớm so với lộ trình. Nhận thức của người dân phối hợp cùng chính quyền trong xây dựng NTM được nâng lên.

Vân Anh 

Thủy sản Việt Nam)