Quảng Trị: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá nước ngọt
- Thứ tư - 04/11/2015 20:24
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Trước năm 2005, diện tích nuôi cá nước ngọt của toàn tỉnh chưa đến 1.000 ha do người dân chưa chú trọng đầu tư quy mô vào mô hình này. Sau một thời gian thử nghiệm thấy hiệu quả mang lại cao nên người dân đã mở rộng diện tích nuôi. Đến năm 2015, diện tích nuôi cá nước ngọt toàn tỉnh đạt 2.195 ha với tổng sản lượng 9 tháng đầu năm đạt 2.580 tấn.
Để đạt được kết quả đó, trong những năm qua Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư đã chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật với nhiều hình thức như: Tập huấn cho cán bộ khuyến nông viên, cộng tác viên khuyến nông và nông dân chủ chốt; chuyển giao trực tiếp bằng mô hình; chuyển giao con giống mới cùng kỹ thuật chăn nuôi; tổ chức hội nghị đầu bờ để rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình hay, hiệu quả trên toàn tỉnh. Nổi bật có các mô hình nuôi cá trắm lồng, cá chình lồng tập trung ở xã Hải Tân, huyện Hải Lăng; xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong; xã Gio Hòa, huyện Gio Linh. Ngoài ra, các mô hình lúa-cá, sen-cá, lúa-cá-lợn, nuôi cá ao, hồ phát triển khá mạnh, đồng đều với nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như diêu hồng, trê lai, trắm, trôi, mè, rô đầu vuông, cho thu nhập từ 80-100 triệu đồng/ha/năm.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-khuyến ngư tỉnh cho biết: “Những năm gần đây, được sự hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư, diện tích, sản lượng và hiệu quả của mô hình nuôi cá nước ngọt toàn tỉnh không ngừng tăng lên. Nhờ đó, đời sống của người dân được cải thiện đáng kể. Việc độc canh cây lúa trên vùng trũng, vùng sản xuất kém hiệu quả đã không còn phổ biến mà đã hình thành nhiều mô hình hay như: Lúa-cá, sen-cá; lợn-lúa-cá cho thu nhập hàng chục đến hàng trăm triệu đồng/năm”.
Xã Hải Thượng và Hải Tân là những địa phương có diện tích và sản lượng cá nước ngọt lớn hàng đầu của huyện Hải Lăng. Nhờ nuôi cá nước ngọt mà đời sống người dân nơi đây đã trở nên khấm khá. Ông Lê Văn Thảo, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Thượng cho biết: “Hiện toàn xã có 59 ha nuôi cá nước ngọt với nhiều mô hình như: sen-cá, lúa-cá, lúa-lợn-cá, nuôi cá ao, hồ đang cho hiệu quả cao. Hàng năm sản lượng cá nước ngọt luôn giao động từ 98 -100 tấn, trung bình mỗi hộ nuôi cá nước ngọt quy mô lớn có thu nhập từ 80-100 triệu/ha/năm. Điển hình có hộ thu nhập từ 200-250 triệu đồng/năm ”.
Đi đầu trong phong trào nuôi cá nước ngọt ở xã Hải Thượng có ông Trần Lương Cương (3 ha), Lê Công Sự (8 ha sen-cá), Đào Bách (1 ha), Lê Cương (1,8 ha lợn-cá). Sự thành công của những người nông dân này đã thúc đẩy nhiều người dân học tập, làm theo để thoát nghèo bền vững. Ở xã Hải Tân, bên cạnh nuôi cá chình lồng và phát triển các mô hình nuôi cá nước ngọt lồng ghép, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư còn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá trắm lồng (học tập từ mô hình của các tỉnh phía Bắc và lần đầu tiên đưa vào nuôi ở Quảng Trị). Mặc dù mới đưa vào nuôi thử nghiệm nhưng đã cho thấy hiệu quả cao, cá phát triển tốt, chất lượng thịt được thị trường đánh giá cao. Theo nhiều hộ dân nơi đây, cá trắm lồng tỏ ra thích nghi tốt với nguồn nước, ít khi mắc bệnh lại dễ nuôi nên hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Cá trắm giống ban đầu mua về có trọng lượng khoảng 0,3-0,5 kg nhưng sau 1 năm nuôi trong lồng đã đạt từ 3,5-4 kg, bán ra thị trường thu về gần 400 nghìn đồng/con.
Ở huyện Vĩnh Linh mô hình nuôi cá nước ngọt phát triển khá mạnh, nhiều hộ nông dân đã đấu thầu mặt nước, cải tạo ruộng trũng, đào ao để nuôi cá. Tiêu biểu như gia đình ông Trần Đăng Truyền (xã Vĩnh Thủy) vay vốn ngân hàng đấu thầu 4 ha đất của HTX Đức Xá để đào hồ nuôi cá, trồng lúa và kết hợp chăn nuôi. Mỗi năm, ông Truyền thả khoảng 30.000 cá giống các loại, kết hợp chăn nuôi theo mô hình V-A-C nên ít tốn kém thức ăn cho cá, phân bón cho lúa vì thế hiệu quả được tăng lên. Bình quân mỗi năm trừ các khoản chi phí, ông lãi ròng từ 80-100 triệu đồng.
Những năm gần đây, các chương trình khuyến nông- khuyến ngư đã chú trọng phát triển nuôi cá nước ngọt ở vùng miền núi nhằm tận dụng lợi thế sông suối, ao hồ tự nhiên nơi đây, đồng thời giúp đồng bào làm kinh tế để thoát nghèo, vươn lên làm giàu từ nuôi cá. Qua nhiều năm hướng dẫn triển khai mô hình, hỗ trợ con giống, kỹ thuật, đến nay có hàng trăm hộ dân tham gia và đã thoát nghèo nhờ nuôi cá nước ngọt. “Trước đây, nhà tôi có 2 hố bom cũ ngập nước quanh năm nhưng cứ để hoang chứ không biết làm gì. Cũng nhờ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư cầm tay chỉ việc nên bây giờ tôi đã có thu nhập gần 40 triệu đồng/năm từ việc nuôi cá”, ông Ăm Khuôn (52 tuổi, ở xã Ba Nang, huyện Đakrông) cho biết.
Hướng Hóa là huyện miền núi có diện tích nuôi cá nước ngọt lớn nhất của tỉnh với trên 75 ha. Nhiều hộ dân đã be bờ, chặn suối dẫn nước vào ao nuôi cá để quanh năm không bị khô cạn. Hơn nữa, việc nuôi cá nước ngọt nơi đây còn có nhiều lợi thế về nguồn thức ăn tự nhiên như: sắn, chuối, ngô lai, cỏ, bột... nên chi phí nuôi cá thấp. Đến nay, Trung tâm Khuyến nông- khuyến ngư tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình nuôi cá tại các xã, thị trấn huyện Hướng Hóa như Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Liên, Tân Hợp, Pa Tầng, A Xing, thị trấn Khe Sanh, thị trấn Lao Bảo.
Anh Nguyễn Thanh Toàn ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa cho biết: “Trước đây tôi chỉ nuôi cá theo hình thức thả tự nhiên, cá tự kiếm ăn trong hồ là chủ yếu vì thế hiệu quả mang lại rất thấp. Từ khi được dự tập huấn về nuôi cá nước ngọt, tôi đã cải tạo lại ao nuôi gần 1 ha, thả các loại cá có giá trị cao như: trắm, chép, mè, rô phi, trê lai và cho cá ăn thức ăn công nghiệp kết hợp thức ăn tự nhiên có sẵn nên cá lớn nhanh, năng suất cao gấp 2 lần so với trước đây. Hiện nay, mỗi năm tôi thu hoạch 1 lần và lãi gần 60 triệu đồng”.
Sau nhiều năm đưa vào nuôi thử nghiệm và nhân rộng, đến nay nuôi cá nước ngọt đã trở thành một hướng làm kinh tế có hiệu quả cao, bền vững cho nông dân. Để tiếp tục duy trì, phát triển nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn toàn tỉnh một cách bền vững, hiệu quả như hiện nay, các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần chú trọng hơn nữa những chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nghề nuôi trồng thủy sản để nông dân yên tâm sản xuất, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống.