Quy chế dân chủ ở cơ sở, bí quyết xây dựng NTM ở Hà Giang
- Chủ nhật - 20/10/2019 09:05
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Năm 2011, khi bắt tay vào xây dựng NTM, Ngọc Đường (TP. Hà Giang) là một xã thuần nông, không có nhiều tiềm năng rõ nét, điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của xã còn nhiều khó khăn, chỉ đạt 2/19 tiêu chí, đó là hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh và đảm bảo về an ninh trật tự xã hội. Nhưng trong phát triển kinh tế thì người dân còn sản xuất theo hướng tự cung, tự cấp; diện tích đất sản xuất từng hộ còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa có các mô hình sản xuất; thu nhập bình quân đầu người thấp…
Tuy nhiên, chỉ sau 5 năm quyết tâm xây dựng NTM, xã Ngọc Đường đã chính thức được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2016, bộ mặt nông thôn của xã có sự đổi thay toàn diện; nhiều mô hình kinh tế mang lại cuộc sống thực sự mới cho người dân.
Ông Hoàng Nhị Sơn - Chủ tịch UBND huyện Xín Mần tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân thôn Lùng Tráng, xã Thèn Phàng. (ảnh: Văn Long)
Chia sẻ về những kinh nghiệm trong triển khai thực hiện Chương trình, ông Bùi Văn Thành, Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Đường cho biết: “Hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM là kết quả được tạo ra bởi quyết tâm chính trị cao; kế hoạch chỉ đạo cụ thể; chủ động, sáng tạo, sâu sát của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và BCĐ xây dựng NTM xã để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc".
Bên cạnh đó, xã đã xác định công tác tuyên truyền, vận động nhân dân là nội dung cốt lõi; tuyên truyền đúng đối tượng, đúng nội dung; chỉ rõ những việc người dân cần làm và cán bộ, đảng viên phải là người gương mẫu đi đầu; phát huy dân chủ ở cơ sở để phát huy nội lực trong nhân dân; các kế hoạch, chủ trương thực hiện trên địa bàn thôn, xã phải được thông báo công khai, rộng rãi đến nhân dân; lắng nghe, kịp thời giải quyết các vướng mắc đảm bảo khách quan.
Đồng thời, việc xây dựng kế hoạch phải đi từ cơ sở, do người dân lựa chọn những nội dung mang tính cấp thiết và phù hợp với điều kiện thực tế...
Cũng chọn quy chế dân chủ ở cơ sở làm nòng cốt cho công cuộc xây dựng nông thôn mới tại địa phương, huyện Quản Bạ đã thường xuyên tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp để gần dân và hiểu dân hơn. Qua các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề mà dư luận quan tâm từ đó đề ra những giải pháp phát triển KT – XH phù hợp với thực tiễn, xử lý kịp thời những vướng mắc còn tồn tại.
Ông Hạng Dương Thành – Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: Trong xây dựng NTM, một trong những mục tiêu hết sức quan trọng đó là phát huy được tính dân chủ cơ sở. Đối với huyện Quản Bạ, trong 10 năm triển khai xây dựng NTM, tính dân chủ cơ sở đã được các cấp ủy, đảng quan tâm chỉ đạo từ những năm tháng đầu tiên và kết quả đạt được khá rõ.
Điều này được thể hiện qua việc làm rất cụ thể, như khi làm đường giao thông nông thôn, làm ở đâu, cách làm thế nào, đóng góp ra sao đều do người dân bàn rất kỹ và được thống nhất từ thôn bản lên, sau đó cùng nhau triển khai phương án và cùng nhau làm. Khi làm xong người dân tự đưa ra quy chế để quản lý vận hành, bảo dưỡng cũng như thụ hưởng công trình đó – ông Hạng Dương Thành chia sẻ thêm.
Nhờ đề cao vai trò của nhân dân, thực hiện tốt dân chủ cơ sở trong công tác xây dựng nông thôn mới, đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Nhận thức trong đội ngũ cán bộ, công chức các cấp và nhân dân về xây dựng nông thôn mới cũng đã có sự thay đổi rõ rệt; vai trò chủ thể của người dân đã từng bước được xác định rõ ràng, qua đó đã khuyến khích, động viên được người dân tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Công trình làm đường giao thông vào nhóm hộ gia đình tại xã Quản Bạ (huyện Quản Bạ) được triển khai thành công, người dân nhiệt tình ủng hộ, tham gia nhờ phát huy tính dân chủ cơ sở.
Hệ thống chính trị nông thôn tại các địa phương đã được củng cố và tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nâng cao hệ thống chính trị xã hội liên tiếp được thực hiện; Hàng năm cán bộ cơ sở được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng năng lực, trình độ chuyên môn, tham quan học tập.... Do vậy, đã từng bước nâng cao năng lực tổ chức quản lý, điều hành trong công việc chung của địa phương.
100% cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan nhà nước Hà Giang đã được tìm hiểu, học tập quy chế dân chủ; nội dung của quy chế dân chủ được lồng ghép, gắn liền với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”, phong trào thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các công việc ở thôn, bản được đưa ra thông báo để người dân đóng góp ý kiến trước khi chính quyền địa phương đưa ra quyết định ban hành, nhờ vậy đã tạo được đồng thuận cao trong nhân dân.
Phần lớn những công trình do nhân dân đóng góp, giám sát đều đảm bảo chất lượng, tiết kiệm, phát huy tốt hiệu quả. Đặc biệt, trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay, khi Nhà nước và nhân dân cùng chung sức, đồng lòng và người thụ hưởng trực tiếp là nhân dân nên mọi công việc triển khai thực hiện đều được thông báo, họp bàn với nhân dân để đưa ra giải pháp thực hiện hiệu quả nhất. Việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở đã góp phần phát huy được vai trò, sức sáng tạo của nhân dân trong những công việc của địa phương; đóng góp ý kiến xây dựng quy ước, hương ước, xây dựng Đảng, chính quyền. |
http://danviet.vn/nha-nong/quy-che-dan-chu-o-co-so-bi-quyet-xay-dung-ntm-o-ha-giang-1024000.html