"Quyết chiến" trên lĩnh vực nông nghiệp

Gốc con nhà nông, bao phen vùng vẫy để thoát khỏi cảnh làm nông nhưng lại bén duyên nông nghiệp. Để rồi, sau bao lần nếm “vị ngọt” và cả “trái đắng” ngay trên mảnh đất quê hương, anh hạ quyết tâm: sẽ “quyết chiến” trên lĩnh vực nông nghiệp.
Từ 10m2, đến nay anh Trương Minh Trung đã phát triển chuồng trại nuôi trùn quế lên 700m2.

Anh là Trương Minh Trung- sinh năm 1985 ở ấp Mỹ Thới 2 (xã Mỹ Hòa- TX Bình Minh) với dự án kinh doanh khởi nghiệp “Quy trình nuôi trùn quế kết hợp nuôi nhốt bò vỗ béo và nuôi lươn không bùn” đang triển khai vào thực tế.

Bén duyên nông nghiệp từ con trùn quế

Cám cảnh gia đình mấy đời làm nông vất vả, bấp bênh nên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Trương Minh Trung đã nung nấu suy nghĩ “thoát khỏi cảnh làm nông” và “phải tự mình làm chủ để thực hiện ý tưởng của mình chớ không làm thuê thực hiện ý tưởng của người khác”. Nghĩ vậy, nên dù tiếp tục học chuyên ngành trồng trọt, thú y theo mong muốn của gia đình nhưng sau khi tốt nghiệp, Trương Minh Trung ra bán thuốc bảo vệ thực vật, mở phòng mạch chăm sóc thú cưng (chó)… Sau một thời gian, phần vì nhận thấy “mình chưa đủ kinh nghiệm nên mở ngành thị trường chưa cần”, phần vì “muốn hoàn toàn thoát khỏi ngành nghề liên quan nông nghiệp” nên anh quyết định học ĐH chuyên ngành kinh tế.

Tuy nhiên, ngay khi vừa tốt nghiệp ĐH, thấy mẹ nuôi lươn, Trung nghĩ ngay đến con trùn quế- nguồn thức ăn bổ sung lý tưởng để nuôi gia cầm và thủy sản mà anh đã từng làm tiểu luận trước đó. Thế là, xâu chuỗi các kiến thức đã học và kinh nghiệm đã tích lũy, anh bắt tay vào phụ mẹ nuôi trùn quế làm thức ăn cho lươn. Lúc đầu, anh chỉ nuôi thử nghiệm trong 10m2, đến nay đã phát triển chuồng trại lên 700m2. “Nuôi, nhân giống trùn quế ngày một phát triển, mở rộng… riết thành mê lúc nào không hay, thế là tôi quyết định ở nhà làm nông luôn”- anh Trung vui vẻ. Theo anh Trung, nuôi trùn quế ít rủi ro, chăm sóc tốt thì trùn sẽ phát triển và cho năng suất cao. Về nguyên liệu cũng rất dễ tìm, chủ yếu là thu gom phế phẩm nông nghiệp là phân bò nên giá thành thấp hơn nhiều nơi khác. Hiện bình quân, mỗi năm anh Trung xuất bán 100 tấn phân trùn quế, doanh thu khoảng trên 500 triệu đồng/năm với kênh tiêu thụ là các đại lý, trang trại và nhà vườn. Còn thịt trùn quế chủ yếu là làm thức ăn cho lươn, nguồn dôi dư thì cung ứng ra thị trường. Còn đối với mô hình nuôi lươn không bùn thì xuất bán từ 3,5- 4 tấn/năm, đầu ra được bao tiêu với giá khoảng 150.000 đ/kg, doanh thu khoảng hơn 500 triệu đồng/năm. Trong đó, “lợi nhuận khoảng 20- 30%”- anh Trung cho biết.

Xuất phát từ nuôi trùn quế để nuôi lươn, anh tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu nuôi trồng thêm các loại cây, con khác để tận dụng phế phẩm, tạo quy trình khép kín. Cụ thể, trùn quế làm thức ăn cho lươn có thức ăn thừa nên anh tận dụng để nuôi ếch. Trong quá trình nuôi ếch, những con phát triển chậm thì tận dụng làm mồi cho rắn. Bên cạnh, anh còn trồng rau quả bởi lợi thế là nguồn phân giàu dinh dưỡng đã sẵn có nên giá thành sẽ thấp, chỉ còn cần thêm kỹ thuật- cái này thì cần nghiên cứu, học hỏi để “ra chuyện”. Theo đó, cách tìm hiểu của anh xuất phát từ “cái tật” lên mạng nhiều, tìm tài liệu và chọn lọc cộng với “bắt tay vào làm thiệt” để rút kinh nghiệm thực tế.

“Quyết chiến” trên lĩnh vực nông nghiệp

Qua thời gian gắn bó với việc nuôi trồng ngay trên mảnh đất quê hương, anh thừa nhận “Từ ghét tôi đã chuyển qua yêu nông nghiệp luôn rồi, giờ thắng thua gì tôi cũng làm nông”. Xác định vậy nên anh vẫn ngày đêm suy nghĩ, mày mò những cách nuôi, trồng hiệu quả. Theo đó, dù đã đa dạng hóa sản phẩm nhưng dường như bấy nhiêu đó với anh vẫn chưa đủ. Hiện anh vẫn đang thực hiện và còn ấp ủ nhiều dự định khác. Cụ thể, anh vừa nghiên cứu cho ra thị trường loại dinh dưỡng từ phân trùn quế dạng viên, hợp tác trồng rau theo hướng an toàn “đảm bảo giá bằng hoặc thấp hơn thị trường”… Anh Trung cho biết: Thực ra mấy cái “râu ria” nhưng cho lợi nhuận cao, bỏ qua thì tiếc nên luôn tìm cách để tận dụng. Tuy nhiên, anh xác định: cái chính của mình vẫn là nuôi trùn quế để bán phân. Lợi nhuận từ nuôi trồng tích lũy để nuôi bò như trong dự án đã nêu. Tuy nhiên, hiện anh đang gặp khó trong khâu xây dựng nhãn mác để đưa sản phẩm đi xa hơn, vào các kênh phân phối uy tín. Và anh cho biết, vẫn đang tìm cách và tìm sự hỗ trợ.

Theo anh Trung, phải tận dụng tuổi trẻ để khởi nghiệp, để làm nên khác biệt. Muốn vậy, trước tiên phải xác định sở thích, nuôi dưỡng đam mê, chịu chia sẻ, tích lũy kinh nghiệm, tính toán mức độ và thời điểm phù hợp... Hiện, không ít người liên hệ với anh để mua trùn quế nuôi, anh cho biết, sẵn sàng chia sẻ cách nuôi, cả những trải nghiệm về thành công, lẫn những thất bại của bản thân.

Theo ông Nguyễn Vương Khanh- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh, Trương Minh Trung là một thanh niên có kiến thức, có đam mê, quyết tâm làm giàu, chịu khó học hỏi… Dự án kinh doanh khởi nghiệp của Trung khá mới trên địa bàn, có thể tận dụng lợi thế nguyên liệu, thị trường… Qua đó, khích lệ tinh thần khởi nghiệp trên địa bàn.

Năm 2017, Trương Minh Trung mạnh dạn tham gia “Cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2017” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức. Dự án “Quy trình nuôi trùn quế kết hợp nuôi nhốt bò vỗ béo và nuôi lươn không bùn” lọt vào top 10 của cuộc thi (Vĩnh Long có 5 hồ sơ vào vòng 2). Dự án được đánh giá cao bởi là một giải pháp môi trường mang giá trị kinh tế cao, vừa giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường do sử dụng phân bón hóa học và thức ăn công nghiệp. Tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có để tạo ra nguồn thức ăn bổ sung giàu dinh dưỡng cho nuôi trồng thủy sản và hình thành nguồn phân bón hữu cơ nhiều dưỡng chất phục vụ phát triển nông nghiệp. Tạo ra đột phá mới nhằm làm tăng thêm giá trị kinh tế.

Ngoài việc chăn nuôi bò nhốt chuồng để cho ra thành phẩm bò thịt thì phân bò là một trong những nguồn thức ăn dùng để nuôi dưỡng và tái tạo nguồn trùn quế thương phẩm cũng như thu hoạch phân trùn quế từ đó dùng trùn quế thịt làm thức ăn nuôi lươn không bùn.

Nguồn: http://www.baovinhlong.com.vn