Quýt đường cắm rễ trên đất lạ, cho lãi nửa tỷ mỗi năm
- Thứ năm - 18/01/2018 00:13
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Bà Bùi Thị Đầm (trái) giới thiệu mô hình quýt đường với lãnh đạo Hội ND huyện Chơn Thành. Ảnh: B.P
Vài năm trở lại đây, một số hộ nông dân ở xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (Bình Phước) đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó quýt đường là loại cây ăn quả được nhiều người lựa chọn, giúp họ từng bước vươn lên làm giàu.
Năm 2013, sau khi thanh lý vườn cây cao su, gia đình bà Bùi Thị Đầm - ấp 6, xã Minh Hưng bắt đầu đưa cây quýt đường từ miền Tây về trồng trên 2ha đất.
Sau 4 năm cắm rễ trên “đất lạ”, vườn quýt đường của bà Đầm sinh trưởng và phát triển tốt. Với mức giá từ 15.000 - 16.000 đồng/kg, trừ chi phí, gia đình bà Đầm thu về 500 triệu đồng/năm từ 2ha quýt đường.
Bắt kịp xu hướng chung, gia đình ông Nguyễn Văn Sơn - ấp 6, xã Minh Hưng cũng đầu tư trồng 1ha quýt đường từ năm 2014. Ông Sơn cho hay, quýt đường dễ trồng nhưng phải đủ nước tưới vào mùa khô. Mùa mưa phải làm rãnh thoát nước để tránh ngập úng. Muốn cây ra hoa kết trái đúng thời vụ, người trồng phải dùng kỹ thuật ngừng nước. Vào mùa khô ngừng nước khoảng 3 tuần, mùa mưa dùng bạt phủ dưới đất và tạo rãnh để thoát nước. Sau 3 tuần ngừng nước, cây có dấu hiệu héo lá. Lúc đó sẽ tưới đẫm nước trở lại trong 3 ngày liên tục và kết hợp bón phân. Khoảng 1 tuần, cây sẽ ra đọt non và hoa. Để cây cho năng suất và cho trái chất lượng cao, cần bón phân đầy đủ và hợp lý, nhất là thời kỳ ra đọt non, ra hoa, kết trái.
Ông Trần Quốc Phi - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Chơn Thành cho biết: “Mô hình trồng quýt của một số hộ dân tại xã Minh Hưng đang mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên để loại cây này phát triển bền vững, bà con nông dân cũng phải cần phải tính toán kỹ khi mở rộng diện tích, tránh tình trạng cung vượt cầu.
Theo Bình Phước/Báo Dân Việt.vn